“Trong RIMPAC, mạng lưới các đối tác có độ hiệu quả và thích ứng cao sẽ huấn luyện và hoạt động cùng nhau để tăng cường lực lượng tổng thể, thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở”, CNN dẫn tuyên bố hôm 1/6 của Hạm đội số 3, Hải quân Mỹ.
38 tàu bề mặt, 4 tàu ngầm, 170 máy bay và 25.000 nhân sự sẽ tham gia đợt diễn tập tại Honolulu và San Diego trong các ngày 29/6-4/8.
Nội dung sự kiện tập trung vào “hoạt động đổ bộ, luyện tập bắn pháo, tên lửa, diễn tập chống ngầm và phòng không, chống cướp biển, rà phá - tiêu hủy thủy lôi, và trục vớt”, Hải quân Mỹ cho biết.
Tàu hải quân nhiều nước tham gia RIMPAC 2020. Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương. |
“RIMPAC 2022 góp phần củng cố sự tương thích hoạt động, sức bền và độ linh hoạt cần thiết để ngăn chặn và đánh bại hành động gây hấn của các nước lớn ở mọi phương diện và mọi mức độ xung đột”, thông báo viết.
Ngoài 4 nước Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), 6 nước ASEAN tham gia bao gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan và Singapore.
RIMPAC 2022 cũng có sự tham gia của Canada, Chile, Colombia, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Israel, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Sri Lanka, Tonga và Vương quốc Anh.
Carl Schuster, một cựu giám đốc của Trung tâm Tình báo Liên hợp, thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết ngoài ý nghĩa quân sự, danh sách tham gia RIMPAC còn thể hiện tầm ảnh hưởng của Washington trên thế giới.
Ông Schuster lưu ý tới sự tham gia của Tonga - một đảo quốc Thái Bình Dương - trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng với các nước nhỏ tại Nam Thái Bình Dương.
RIMPAC 2022 là sự kiện lần thứ 28 của RIMPAC, vốn được khởi xướng từ năm 1971.