Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu của Global Firepower (GFP) cho biết Mỹ chi gần 600 tỷ USD/năm cho ngân sách quốc phòng và nguồn lực có thể huy động chiến đấu lên tới hơn 145 triệu người.
Cùng với ngân sách quân sự khổng lồ, Washington sở hữu 19 tàu sân bay, 5.884 xe tăng, 13.762 máy bay chiến đấu, 415 tàu chiến và 1,4 triệu quân nhân tại ngũ.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (trái) và tàu tiếp dầu USNS Yukon của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Ngân sách quốc phòng một năm của Nga, nước xếp ở vị trí thứ hai, ít hơn 45 tỷ USD với 70 triệu người có thể huy động chiến đấu. Quốc gia này chỉ sở hữu 1 tàu sân bay nhưng có tới 20.215 xe tăng, 3.794 máy bay chiến đấu, 352 tàu chiến và 766.055 lính chính quy.
Trong khi đó, Trung Quốc chi 161 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng song con số nhân sự sẵn sàng chiến đấu lên tới 750 triệu người, bên cạnh đó là 1 tàu sân bay đã phiên chế cho hải quân, 6.457 xe tăng, 2.955 máy bay chiến đấu, 714 tàu chiến và 2,35 triệu lính chính quy.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ hai sau Indonesia, quốc gia giữ thứ hạng 14 trên bảng xếp hạng toàn cầu. So với năm 2016, Việt Nam đã tiến thêm một bậc, từ số 17 lên vị trí số 16.
Theo bảng xếp hạng GFP 2017, Việt Nam hiện có 415.000 quân nhân tại ngũ. Đối với các chỉ số thành phần cốt lõi, Việt Nam đứng đầu thế giới về quy mô lực lượng dự bị động viên, xếp thứ 16 về số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực, hạng 8 về số lượng pháo xe kéo, thứ 7 về pháo phản lực phóng loạt, hạng 7 về pháo tự hành, thứ 34 về không quân và thứ 37 về sức mạnh hải quân. Quốc gia đứng thứ ba ASEAN về chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu là Thái Lan.
25 quốc gia dẫn đầu thế giới về sức mạnh quân sự theo bảng xếp hạng của Global Firepower. Ảnh: Daily Mail. |
Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu được Global Firepower (GFP) xếp hạng dựa vào hơn 50 chỉ số (ngoại trừ vũ khí hạt nhân), chủ yếu là dân số, diện tích, số lượng vũ khí, ngân sách quốc phòng, nguồn nhân lực, giao thông, việc tiếp cận các tài sản chiến lược, nguồn nhiên liệu và điều kiện kinh tế hiện tại.
Trong số 127 nước và lãnh thổ được GFP 2017 xếp hạng, ASEAN có 9 nước được nêu tên (trừ Brunei). Những nước nằm sâu trong đất liền (không có hải quân) thì bị giảm điểm.
Bảng xếp hạng chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu của Global Firepower không phải một kênh thông tin chính thống mà chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tham khảo.