Trả lời các phóng viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 10/2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Các vấn đề Quân sự - Chính trị Clarke Cooper cho biết phái đoàn Mỹ cử đến triển lãm quốc phòng Singapore Airshow 2020 là lần hiện diện quốc tế với số lượng đông đảo nhất kể từ khi Mỹ bắt đầu tham gia.
“Điều này chứng tỏ cụ thể quan hệ song phương thân thiết và sâu sắc giữa chúng tôi với Singapore, đồng thời thể hiện cam kết với khu vực cũng như tất cả các nước về xây dựng không gian tự do và mở, để mọi nước được đảm bảo tự do hàng hải và tự do lựa chọn”, ông chia sẻ.
Hải quân các nước ASEAN và Mỹ phối hợp diễn tập nhiều tình huống thực binh trên biển trong khuôn khổ AUMX 2019. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Thúc đẩy tự do hàng hải
Đề cập đến những hoạt động sắp tới nhằm hỗ trợ duy trì tự do hàng hải, Trợ lý Ngoại trưởng Clarke Cooper nhấn mạnh tầm quan trọng của tập trận và huấn luyện với các nước trong khu vực. Ông nhận định hoạt động tàu quân sự ghé thăm cảng các nước cũng gửi đi thông điệp cụ thể về tự do hàng hải.
Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định sự hiện diện hải quân và không quân của mình tại khu vực thông qua các hoạt động huấn luyện song phương hoặc diễn tập với nhiều nước tham gia.
“Chúng tôi đã làm việc với một số đối tác trên toàn khu vực Thái Bình Dương để mở rộng một số cơ hội. Chúng tôi cũng làm việc với các nước ASEAN và tất cả đều muốn đảm bảo một không gian thịnh vượng và ổn định, duy trì khu vực tự do và mở về phương diện hàng hải và thương mại. Đây là lợi ích chung của tất cả các bên”, ông Cooper cho biết.
“Chúng tôi không muốn nhìn thấy những hành động quấy rối và cưỡng ép từ các tàu thuyền hoạt động bất hợp pháp. Tự do hàng hải hay sự hiện diện của các lực lượng hải quân là nhằm duy trì cách hành xử đúng đắn và ủng hộ những bên tuân thủ đúng luật pháp trên biển”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Lo ngại lộ công nghệ với Trung Quốc, Nga
Khi được hỏi về cạnh tranh mua bán quốc phòng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, Trợ lý Ngoại trưởng Cooper chia sẻ nước Mỹ không muốn tạo mới hay thay đổi cách tiếp cận phối hợp của riêng mỗi quốc gia trong xây dựng năng lực phòng vệ, đảm bảo có đủ những yếu tố cần thiết để duy trì chủ quyền.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Các vấn đề Quân sự - Chính trị Clarke Cooper. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
“Điều chúng tôi mong muốn giảm thiểu là việc xuất hiện một số hệ thống hoặc vũ khí nhất định có khả năng đe dọa công nghệ trong các hệ thống khí tài do Mỹ chế tạo, thiết kế. Chúng tôi cũng không muốn những cơ hội hợp tác sản xuất chịu rủi ro. Moscow hoặc Bắc Kinh có thể lợi dụng hợp tác sản xuất và nghiên cứu tìm kiếm những công nghệ và thông tin quan trọng”, ông cho biết.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ lưu ý chính sách của nước này là “bảo vệ những công nghệ độc nhất mà Mỹ chỉ chia sẻ với các đối tác thân thiết”, và đặc biệt là những đối tác sẵn sàng tiến đến quan hệ chia sẻ qua lại.
Khả năng trừng phạt đối tác vi phạm chỉ xảy ra khi nước còn lại mua một hệ thống khí tài trực tiếp thách thức. Ví dụ điển hình là thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ
“Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên nhóm nước mua F-35. Chúng tôi không muốn thương vụ S-400 và Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa một số công nghệ. Chính vì vậy chương trình F-35 không còn bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ”, ông chia sẻ.