Sau khi phân tích tác động ngắn hạn của các quyết định do Tổng thống Trump ban hành, nhóm tác giả nghiên cứu trên nhận thấy kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng bị áp thuế liên quan đến chiến tranh thương mại lần lượt giảm 31,5 và 11%.
Các nhà kinh tế cũng đánh giá khoản thiệt hại của việc tiêu dùng và sản xuất tại Mỹ lên tới 68,8 tỷ USD vì thuế nhập khẩu cao hơn.
"Sau khi tính toán đầy đủ phần thu ngân sách nhờ việc tăng thuế và doanh thu của các doanh nghiệp Mỹ từ giá bán hàng hóa cao hơn, tổng thiệt hại là 7,8 tỷ USD", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. Con số này tương đương 0,04% tổng GDP của Mỹ.
Nhóm tác giả nghiên cứu bao gồm các nhà kinh tế học đang làm việc tại các trường đại học hàng đầu tại Mỹ như Đại học California-Berkeley, Đại học Columbia, Đại học Yale và Đại học California ở Los Angeles. Nghiên cứu này được Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia của Mỹ xuất bản.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump luôn kiên định với chính sách thương mại cứng rắn khi yêu cầu các quốc gia khác phải tìm cách giảm thâm hụt cán cân thương mại bất lợi cho phía Mỹ.
Chính sách thương mại cứng rắn là một trong những dấu ấn nổi bật nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Alex Wong/Getty. |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách của ông Trump không ai khác ngoài Trung Quốc. Mỹ đã tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ giữa năm 2018 trong khi Bắc Kinh cũng trả đũa Washington bằng việc áp thêm thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Cuộc chiến thương mại dai dẳng Mỹ - Trung tưởng như có thể đi đến hồi kết vào cuối tháng này khi Tổng thống Trump tuyên bố ngừng tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vào ngày 1/3 theo dự định và có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để thống nhất một thỏa thuận thương mại cuối cùng.
Tuy nhiên, Bloomberg hôm 14/3 dẫn nguồn tin của mình cho hay cuộc gặp cấp cao Trump - Tập chưa thể diễn ra vào cuối tháng 3 như dự kiến. Hai nhà lãnh đạo chỉ có thể gặp nhau sớm nhất vào cuối tháng 4. Lý do được cho là hai bên vẫn còn nhiều bất đồng về những vấn đề quan trọng trong đàm phán thương mại.
Hôm 13/3, ông Trump cũng khẳng định sẽ không vội vàng ký kết thỏa thuận thương mại, không loại trừ khả năng bỏ ngỏ tiến trình đàm phán với Bắc Kinh.