Con số tử vong tại Mỹ, nước đang có nhiều ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, đã tăng thêm 2.751 trường hợp trong vòng 24 giờ qua.
Tính đến sáng 22/4 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng khoảng 45.000 ca tử vong, theo Đại học John Hopkins và trang web Worldometers. Con số này vẫn tăng khoảng 1.500-2.500 ca/ngày trong những ngày gần đây, theo New York Times.
Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 40.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Bên ngoài bệnh viện Elmhurst ở Queens, New York, ngày 21/4. Ảnh: New York Times. |
Diễn biến tiếp tục phức tạp
Số ca tử vong vì Covid-19 tại New York tăng nhẹ, Thống đốc Andrew Cuomo thông báo ngày 21/4, với 481 ca so với 478 ca ngày trước đó. Tổng số tử vong liên quan đến virus ở toàn bang đang là 14.828. Tổng số ca nhiễm là hơn 250.000, theo thống kê của New York Times.
Nhưng ông Cuomo nói các số liệu khác cho thấy đường cong số ca nhiễm đang được san phẳng. Số bệnh nhân trong viện giảm 8 ngày liên tiếp, và số ca nhập viện mới thấp nhất trong ba tuần. Số người phải đặt ống thở - tức những ca nặng nhất - giảm 127, mức giảm mạnh nhất trong một ngày, giờ còn dưới 4.000.
Trong khi đó, bang New Jersey bên cạnh ngày 21/4 cho biết có 379 ca tử vong mới trong ngày trước đó, mức tăng kỷ lục, nâng tổng số lên 4.753 ca tử vong. Bang này ngày 21/4 ghi nhận 3.643 ca nhiễm mới, tổng số 92.387. Dù vậy, giới chức New Jersey tỏ ra lạc quan khi số bệnh nhân thở máy giảm.
Có những dấu hiệu lạc quan cho thấy đỉnh dịch đã qua ở New York, San Francisco hay Seattle (số ca mới đã ổn định, bệnh viện dã chiến được dỡ bỏ). Nhưng một số bang khác đang gia tăng nhanh chóng, như Massachusetts có thêm 1.700 ca mới ngày 19/4, và Connecticut có tổng số ca tử vong tăng gấp đôi lên 1.300 chỉ sau một tuần.
Nhiều cộng đồng nhỏ ở vùng Trung Tây cũng đang tăng vọt về số ca nhiễm, cho thấy cuộc chiến ở Mỹ vẫn còn dài, theo New York Times.
Trong khi đó, tiểu bang Missouri vào ngày 21/4 kiện lãnh đạo Trung Quốc về dịch Covid-19, đòi bồi thường cho những gì mà bang này mô tả là “lừa dối có chủ đích và hành động không đủ để ngăn dịch”, theo AFP.
Vụ kiện được nộp lên tòa liên bang, nhưng khả năng thành công khá xa vời vì luật Mỹ thường cấm tòa án cho kiện chính phủ nước ngoài, theo một quy tắc miễn trừ quốc gia, theo AFP.
Thượng viện Mỹ thông qua gói cứu trợ thứ tư, trị giá 483 tỷ USD
Gói cứu trợ 483 tỷ USD vừa được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 21/4 sau khi các nghị sĩ và Nhà Trắng đạt đồng thuận, qua đó bổ sung tiền hỗ trợ lương, hỗ trợ bệnh viện, xét nghiệm.
Gói cứu trợ được thông qua nhanh chóng và được toàn bộ nghị sĩ chấp thuận, bất chấp các ý kiến bất đồng từ một số nghị sĩ Cộng hòa. Tổng thống Trump đã lên tiếng ủng hộ và hứa sẽ ký. Gói cứu trợ giờ đây được chuyển sang Hạ viện.
Gần hai tuần thương thảo, bế tắc cuối cùng dẫn đến đồng thuận đối với 483 tỷ USD - gói cứu trợ thứ tư giữa lúc Washington đang gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế.
Gói cứu trợ này ban đầu do phía Cộng hòa đề nghị với trị giá 250 tỷ USD để bổ sung quỹ hỗ trợ lương cho doanh nghiệp nhỏ, nhưng sau đó được bổ sung thêm, trở thành gói cứu trợ lớn thứ hai trong bốn gói cứu trợ cho đến nay.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số, nói phía Dân chủ đã bổ sung vào dự luật các khoản hỗ trợ cho bệnh viện và xét nghiệm.
Gói cứu trợ giờ đây được chuyển sang Hạ viện. Ảnh: AP. |
Theo bản dự luật mà hãng tin AP tiếp cận được, đa phần gói cứu trợ, khoảng 331 tỷ USD, sẽ bổ sung cho chương trình hỗ trợ lương cho người lao động doanh nghiệp nhỏ. 75 tỷ USD sẽ dành cho bệnh viện, và 25 tỷ USD sẽ dành để đẩy mạnh xét nghiệm.
Đến nay, Mỹ đã xét nghiệm khoảng 4 triệu người, chỉ hơn 1% dân số. Nhà Trắng nói Mỹ có đủ bộ xét nghiệm để bắt đầu nới lỏng phong tỏa, nhưng hầu hết chuyên gia cho rằng khả năng xét nghiệm phải tăng ít nhất là ba lần, chưa nói là cần nhiều hơn.
Nhưng gói cứu trợ này vẫn thiếu hỗ trợ cho các chính quyền tiểu bang và địa phương đang thâm hụt ngân sách nặng nề và tìm mọi cách để tránh phải sa thải nhân viên hoặc cho họ nghỉ không lương.
Hạ viện sẽ được gọi về Washington để bỏ phiếu ngày 23/4. Hạ viện cũng sẽ bỏ phiếu đối với một đề xuất về thủ tục, cho phép bỏ phiếu từ xa đối với các công việc khác trong thời gian đại dịch - như vậy sẽ là lần đầu tiên. Hạ viện Mỹ từ khi thành lập đã luôn yêu cầu nghị sĩ đích thân bỏ phiếu.
Dù đây là gói cứu trợ lớn thứ hai, các bên đều nói có thể sẽ có thêm hỗ trợ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã vạch ra kế hoạch chi tiêu hạ tầng cho dự luật tiếp theo. Ngoài ra, có sức ép cần hỗ trợ cho các thành phố nhỏ, dân số dưới 500.000, vốn không được hỗ trợ bởi gói lớn nhất 2.000 tỷ USD thông qua tháng trước.
Ngày 21/4 là ngày thứ hai liên tiếp mà số ca đang nhiễm virus ở Italy giảm xuống, giữa lúc nước này chuẩn bị ra quyết định hệ trọng có kéo dài phong tỏa toàn quốc hay không.
Theo đó, số người đang được điều trị Covid-19 ở Italy giảm 528 ca trong ngày 21/4, xuống còn tổng cộng 107.709 ca, theo số liệu chính thức. Con số này giảm 20 ca vào ngày 20/4 - lần đầu tiên trong hai tháng dịch bệnh, theo AFP.
Số ca tử vong ngày 21/4 tăng 534 lên 24.648, vẫn là cao nhất châu Âu, cao thứ nhì thế giới sau Mỹ.
Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết sẽ không thể mở lại hoàn toàn đất nước khi lệnh phong tỏa hiện tại kết thúc ngày 3/5.
“Tôi muốn có thể nói là, hãy mở cửa tất cả, ngay lập tức”, Thủ tướng Giuseppe Conte nói ngày 21/4. “Nhưng một quyết định như vậy sẽ là vô trách nhiệm”.