Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ thay cánh mới cho ‘Thần sấm’ A-10 Thunderbolt II

Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II của quân đội Mỹ vừa được nâng cấp đôi cánh mới, giúp tăng cường sự linh hoạt, hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị mặt đất trong điều kiện cận chiến.

Với đôi cánh mới, A-10 Thunderbolt II còn giúp tiết kiệm cho không quân Mỹ khoảng 1,3 tỷ USD chi phí bảo trì trong vòng 30 năm tới. Tính tới thời điểm hiện tại, Boeing, hãng sản xuất cánh cho các máy bay A-10 Thunderbolt II đã nhận được hàng loạt các đơn hàng với tổng số 242 chiếc.

Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II.

Theo các chuyên gia quân sự, cải tiến này đảm bảo cho những chiếc A-10 Thunderbolt II của không quân Mỹ tiếp tục hoạt động tốt tới năm 2035. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ các binh sĩ trong điều kiện cận chiến, sự toàn diện của những chiếc A-10 Thunderbolt II cải tiến còn giúp các công ty chế tạo vũ khí Mỹ thảnh thơi trong nhiệm vụ chế tạo một loại máy bay cường kích ưu việt mới để thay thế những chiếc “Thần sấm” A-10.

Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II nổi tiếng khắp thế giới nhờ khả năng cơ động tuyệt vời khi bay ở độ cao thấp với tốc độ cao. Loại máy bay này tấn công các mục tiêu chính xác gần như tuyệt đối. Cánh thẳng và lớn giúp A-10 Thunderbolt II linh hoạt khi bay ở độ cao 300 – 2.500 m.

A-10 Thunderbolt II còn được thiết kế để chao liệng thời gian dài xung quanh vùng chiến sự, sẵn sàng tham gia chi viện cho lực lượng bộ binh khi được yêu cầu. Là máy bay đầu tiên và ưu việt nhất của không quân Mỹ được thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến từ trên không, A-10 Thunderbolt II giảm thiểu đáng kể thương vong cho binh sĩ trên chiến trường.

Ra mắt tháng 3/1977, A-10 Thunderbolt II nhanh chóng thể hiện khả năng vượt trội của mình trên các chiến trường. Thiết kế xấu xí nhưng sở hữu pháo 7 nòng xoay bắn đạn 30 mm với tốc độ bắn 4.200 viên/phút, cùng tải trọng lớn và khả năng bay thấp, chậm trong thời gian dài giúp A-10 Thunderbolt II hoạt động vô cùng hiệu quả.

Ngoài ra, buồng lái bọc titan dày 12,7 đến 38,1 mm giúp A-10 Thunderbolt II có khả năng chịu được đạn phòng không 23 mm. Chúng cho phép loại máy bay cường kích này hoạt động hiệu quả trên các chiến trường, hạn chế thương vong và mang lại lợi thế lớn cho bộ binh.

Ra đời với nhiệm vụ cường kích, A-10 Thunderbolt II có khả năng mang 7,2 tấn vũ khí trên 11 giá treo, bao gồm 8 giá dưới 2 cánh và 3 giá dưới bụng. Vũ khí mà máy bay này mang theo bao gồm bom các loại, tên lửa đối đất, đối không, ống phóng rocket cho phép nó hạ gục xe tăng, xe bọc thép… của đối phương. Súng GAU-8 Avenger dưới mũi cho phép A-10 Thunderbolt II bắn 1.174 viên đạn cỡ 30 mm.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm