'Điểm mặt' máy bay Mỹ tham gia tập trận RIMPAC 2012 (phần 3)
Hải quân Mỹ có các máy bay tham gia tấn công chiến thuật là chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18E/F Super Hornet, A-10 Thunderbolt II, F-16 Fighting Falcon, F-15E Strike Eagle và máy bay ném bom chiến thuật tầm xa B-52H Stratofortress.
>>Điểm mặt máy bay Mỹ tham gia tập trận RIMPAC 2012 (phần 2)
>>'Điểm mặt' máy bay Mỹ tham gia tập trận RIMPAC 2012 (phần 1)
>>Mỹ tập trận hải quân lớn nhất thế giới nhằm mục đích gì?
Chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18E/F Super Hornet
F/A-18E/F Super Hornet là máy bay tấn công phục vụ Hải quân được Boeing thiết kế, sản xuất. Chuyến bay đầu tiên của loại chiến đấu cơ này được tiến hành vào tháng 11/1995. F/A-18E/F có kích cỡ lớn hơn 25% so với người tiền nhiệm F/A-18C/D nhưng được tinh giản tới 42% kết cấu. F/A-18E chỉ có 1 ghế lái trong khi F/A-18F có 2 phi công đảm bảo việc bắn hạ mục tiết tốt hơn. F/A-18E/F được trang bị hệ thống động cơ mạnh cùng với tải trọng lớn, giúp nó khá nhanh nhạy trong tác chiến và tránh né các đợt tấn công của đối phương.
Tính tới tháng 4 năm ngoái, có 545 chiếc F/A-18E/F Super Hornet được chuyển giao cho quân đội Mỹ và loại phi cơ này cũng đang được Không quân Hoàng gia Australia đặt mua. F/A-18E/F Super Hornet có nhiệm vụ tấn công mục tiêu bất kể ngày đêm nhờ hệ thống dẫn đường chính xác, tác chiến phòng không, hỗ trợ mặt đất, không chiến, tấn công biển và do thám. Do thiết kế tinh giảm cùng với hệ thống động cơ mạnh, F/A-18E/F Super Hornet được biên chế hoạt động trong các đội tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ.
F/A-18E/F Super Hornet có chiều dài thân 18,31m, chiều cao 4,99m, sải cánh 13,62m. Chiếc phi cơ có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 29.937kg, bay với vận tốc cực đại 1.890km/h, nhanh gấp gần 2 lần vận tốc âm thanh. F/A-18E/F Super Hornet có tầm hoạt động lên tới 2.346km với trần bay đạt 15.240m.
F/A-18E/F Super Hornet có 11 giá treo vũ khí tại hai bên cánh và dưới bụng. Chiếc phi cơ được trang bị các tên lửa không đối không như AIM-9 Sidewinder ở hai đầu cánh AIM-9 Sidewinder, AIM-7 Sparrow và AIM-120 AMRAAM dưới các giá treo. Vũ khí dẫn đường không đối đất bao gồm Harpoon, SLAM/SLAM-ER, GBU-10, GBU-51, HARM và Maverick. Bom rơi tự do Mk-76, BDU-48, Mk-82LD, Mk-82HD và Mk-84.
F/A-18E/F Super Hornet còn được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS dẫn đường vũ khí JDAM, JSOW và JASSM. Ngoài ra còn có hệ thống nhìn đêm, radar cánh báo cùng hệ thống súng máy M61A2 cỡ nòng 20mm với tốc độ bắn tối đa đạt 6.000 viên/phút.
Chiến đấu cơ cường kích A-10 Thunderbolt
A-10 Thunderbolt được biết đến với tên gọi Warthog, được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq, hỗ trợ hoạt động của NATO tại Kosovo, tham gia chiến dịch Tự do Bền vững ở Afghanistan và Chiến dịch Tự do tại Iraq (năm 2003). A-10 Thunderbolt là máy bay cường kích và hỗ trợ mặt đất.
Được hãng Fairchild-Republic sản xuất cho không quân Mỹ, A-10 Thunderbolt được dùng để chi viện trực tiếp cho các lực lượng dưới mặt đất bao gồm, tấn công tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu mặt đất khác. Ngoài ra, nó còn có nhiệm vụ ngăn chặn tiếp viện trên không của đối phương. Đây là loại máy bay đầu tiên của Mỹ được thiết kế phục vụ mục đích yểm trợ từ trên không.
Do được thiết kế nhằm yểm trợ mặt đất, A-10 Thunderbolt có khả năng cơ động cao khi bay ở tầm thấp cùng với việc tấn công chính xác và hiệu quả bằng tất cả các vũ khí, trên mọi loại địa hình. A-10 Thunderbolt được đưa vào biên chế năm 1972 và hiện có khoảng 713 chiếc phi cơ đang hoạt động.
A-10 Thunderbolt là loại chiến đấu cơ phản lực đặc biệt với hai động cơ nằm ở hai bên thân máy bay, ráp với đuôi. Hai động cơ phản lực TF34-GE-100 do General Electric sản xuất cho phép chiếc phi cơ bay với vận tốc tối đa 706km/h và tối thiểu là 220km/h. Độ cao tối đa của A-10 Thunderbolt đạt 13.636m và phạm vi hoạt động lên tới 4.150km. Đặc biệt, A-10 Thunderbolt vẫn có thể hoạt động và chiến đấu với một động cơ duy nhất nếu chiếc còn lại gặp sự cố hoặc bị trúng đạn. Tuy nhiên thời gian đó không thể kéo dài.
A-10 Thunderbolt có chiều dài 16,26m, sải cánh đạt 17,53m và chiều cao 4,47m. Chiếc máy bay có thể cất cánh với trọng lượng tối đa đạt 22,680kg với tốc độ bay lên đạt 1.828m/phút. Chiếc phi cơ còn được trang bị 11 giá treo (8 giá dưới 2 cánh và 3 giá dưới bụng) với các loại bom có và không có điều khiển, bom chùm, tên lửa đối đất, đối không. Ngoài ra, nó còn được trang bị súng đại liên cỡ nòng 30mm với tốc độ bắn 3.900 viên/phút.
Chiến đấu cơ đa nhiệm F-16 Fighting Falcon
Lockheed Martin F-16 Fighting Falcon là chiến đấu cơ đa nhiệm hạng nhẹ thành công nhất của Mỹ với khả năng tác chiến linh hoạt cùng với kỹ năng triển khai nhanh. Có hơn 2.000 chiến đấu cơ đa nhiệm F-16 Fighting Falcon trong biên chế quân đội Mỹ và một số lượng tương tự đang biên chế trong không quân nước ngoài.
Được đưa vào biên chế năm 1979, F-16 nhanh chóng thể hiện khả năng vượt trội của mình so với các đối thủ khác. Buồng kính phi công cao hơn hẳn so với thân máy bay giúp tăng cường khả năng quan sát trong khi thanh điều khiển linh hoạt giúp chiếc máy bay thực hiện các động tác kĩ thuật và nhắm bắn mục tiêu dễ dàng hơn. Ngoài ra, động cơ phản lực duy nhất của F-16 Fighting Falcon có tỉ lệ đẩy trên trọng lượng phi cơ lớn hơn 1, cho phép chiếc máy bay tăng tốc cực tốt.
Một viên phi công duy nhất sẽ chịu trách nhiệm điều khiển chiếc phi cơ cùng toàn bộ hệ thống vũ khí của F-16 Fighting Falcon. Chiếc phi cơ có chiều dài 14,8m, sải cánh 9,8m và chiều cao 4,8m. Dù khá “nhỏ con” nhưng F-16 có thể cất cánh với trọng lượng tối đa lên tới 16,875kg mà vẫn có thể bay với cận tốc 2.400 km/h. F-16 Fighting Falcon có tầm bay tối đa đạt 3.200km với trần bay 15.239m và tốc độ di chuyển thẳng đứng đạt 254m/s.
F-16 Fighting Falcon có 9 giá treo vũ khí ở dưới 2 cánh và thân chính máy bay. Chiếc phi cơ được trang bị một khẩu súng M61A1 nòng xoay cỡ 20mm. Các giá treo dưới cánh cho phép nó mang các loại tên lửa đối đất, đối không, đối hạm, bom có và không có điều khiển hoặc bom chùm. Do có khả năng hoạt động linh hoạt và chính xác nên F-16 Fighting Falcon luôn có cơ hội sử dụng đầu tiên những loại vũ khí mới của quân đội Mỹ.
Tiêm kích tấn công F-15E 'Strike' Eagle
Được mệnh danh là Đại bàng Tấn công, F-15E 'Strike' Eagle là tiêm kích phản lực chiến ưu thế trên không của Mỹ có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và thọc sâu vào lãnh thổ đối phương. Là biến thể của F-15 Eagle nhưng F-15E 'Strike' Eagle đã chứng minh được sự vượt trội của mình trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, khi thực hiện thành công hàng loạt nhiệm vụ tấn công mặt đất và yểm trợ trên bộ cho Liên quân.
F-15E 'Strike' Eagle thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1986 với tên lửa không đối không có thể tiêu diệt mục tiêu ngoài tầm nhìn của phi công. Đồng thời, nó có khả năng thâm nhập sâu vào trong lòng địch để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất với khối lượng vũ khí lên tới gần 11 tấn.
Tính đến tháng 4/2001, có 227 F-15E được biên chế trong quân đội Mỹ và vẫn còn tiếp tục gia nhập trong các năm tiếp theo. Các phiên bản khác của F-15 cũng được không quân nhiều quốc gia đặt hàng trong đó có Israel, Hàn Quốc, Singapore….
Phi hành đoàn F-15E 'Strike' Eagle bao gồm 2 phi công trong đó có 1 người chuyên trách điều khiển vũ khí. Chiếc phi cơ có chiều dài 19,44m với sải cánh 13m, cao 5,6m. Trọng lượng cất cánh của F-15E 'Strike' Eagle lên tới 36.450kg với vận tốc tối đa đạt 1.665km/h. Trần bay tối đa của F-15E 'Strike' Eagle là 18.300m trong khi phạm vi hoạt động lên tới 3.900km.
F-15E 'Strike' Eagle được trang bị 1 pháo M61 Vulcan Gatling cỡ nòng 20mm. Nó có thể mang tối đa 8 tên lửa đối không, đối đất và đối hạm dẫn đường hồng ngoại và dẫn đường vệ tinh cùng hàng loạt bom có và không có điều khiển, bom chùm. Ngoài ra, F-15E 'Strike' Eagle còn có thể mang bom hạt nhân kí hiệu B61. Các tên lửa của F-15E 'Strike' Eagle có tầm bắn tối đa lên tới 50km, tiêu diệt mục tiêu khi nó mới chỉ xuất hiện trên màn hình radar.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52H Stratofortress
Pháo đài bay B-52H Stratofortress là máy bay ném bom chiến lược phản lực của không quân Mỹ. Những chiếc B-52 đầu tiên được sử dụng ném bom thông thường từ năm 1955 sau đó được nâng cấp để ném bom hạt nhân trong thời kì Chiến tranh lạnh. B-52H Stratofortress đóng vai trò quyết định trong các chiến dịch quân sự của Mỹ, nhằm tiêu diệt các mục tiêu mặt đất hay tàu ngầm của đối phương.
B-52H Stratofortress được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 1961 và có 104 chiếc được chế tạo. Chiếc B-52H Stratofortress cuối cùng được bàn giao tháng 10/1962. Tuy nhiên, do kết cấu bền vững cùng hàng loạt chương trình nâng cấp cho phép những chiếc B-52H Stratofortress có thể hoạt động đến năm 2030 và lâu hơn nữa. Những pháo đài bay B-52 phiên bản khác đều đã nghỉ hưu vào tháng 7/2008.
Pháo đài bay B-52H Stratofortress có tới 8 động cơ phản lực Pratt & Whitney TF33-P-3 giúp nó có thể nâng được tổng trọng lượng lên tới tới 220 tấn với tốc độ cực đại đạt 1.000km/h. B-52H Stratofortress có tầm hoạt động lên tới 15.000km và trần bay tối đa lên tới 17km. Vũ khí mà B-52H Stratofortress mang theo chủ yếu là bom, mìn kích cỡ lớn. Ngoài ra, nó còn được trang bị một pháo M61 Vulcan cỡ nòng 20 mm ở tháp pháo đuôi cùng các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ngoài bom rải thảm, những giá treo vũ khí nằm ở 2 bên cánh cho phép B-52H Stratofortress mang những loại bom và tên lửa có điều khiển. Ngoài ra, nó còn có thể mang được tên lửa hành trình cùng với tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân. Do các vũ khí mà B-52H Stratofortress trang bị đều nhằm mục tiêu tấn công nên nó không có mấy khả năng tự vệ mà dựa hoàn toàn vào các chiến đấu cơ phản lực hỗ trợ.
Trịnh Duy
Theo Infonet.vn