“Cũng như chương trình chích ngừa cho người Mỹ sẽ không dừng lại vào ngày 4/7, nỗ lực giúp thế giới tiêm chủng của chúng tôi sẽ không dừng lại ở 80 triệu liều”, Jeff Zients, người phụ trách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ngày 1/7 tuyên bố, theo CNN.
Động thái trên là một phần trong nỗ lực tái khẳng định vị thế dẫn đầu của Mỹ trên thế giới và giúp đỡ các nước chống lại đại dịch. Hành động này cũng nhằm ứng phó trước việc Nga và Trung Quốc dùng vaccine tự sản xuất để mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết chia sẻ 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới trước cuối tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Mỹ đã dành ra 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới như lời cam kết của Tổng thống Biden. Nhà Trắng cho biết ít nhất 75% số vaccine sẽ được quyên góp qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. 25% còn lại được chuyển trực tiếp cho các nước.
Tuy nhiên, đến nay Mỹ mới vận chuyển chưa đầy 24 triệu liều đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận, AP cho biết hôm 1/7. Lý do cho sự chậm trễ này không phải thiếu hụt vaccine.
“Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi không thực sự là nguồn cung - chúng tôi có rất nhiều vaccine để chia sẻ với thế giới - mà là về mặt hậu cần”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Đến cuối tuần này, Mỹ dự kiến chuyển khoảng 40 triệu liều vaccine tới các nước gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Mexico, Brazil, Đài Loan, Colombia, Peru, Malaysia, và các quốc gia khác, ông Zients nói. Phần còn lại của 80 triệu liều sẽ được chuyển đi trong các tuần tới.
Vaccine được chuyển đi là ba loại đã được phê duyệt sử dụng ở Mỹ là Pfizer, Moderna, và Johnson & Johnson.
Tới nay, Mỹ đang là nhà tài trợ vaccine toàn cầu lớn nhất, cung cấp nhiều liều vaccine cho thế giới hơn cả Nga hay Trung Quốc.