Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu hàng rau quả tháng 6 đạt 257,3 triệu USD, giảm 7,1% so với tháng 5. Trong 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,76 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường khác lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 9,8%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%. Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường này chiếm 40,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, nhưng vẫn thấp hơn tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Mức tăng mạnh từ các thị trường trên vẫn chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan khi thị trường xuất khẩu truyền thống đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam là Trung Quốc đang giảm nhập khẩu mặt hàng này”, Bộ Công Thương cho hay.
Đối với mặt hàng xoài, ổi, măng cụt (mã HS 080405), 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 302 tấn, trị giá 850.000 USD, tăng gần 1,8 lần về lượng và trị giá. Tính ra, giá nhập khẩu bình quân chủng loại quả này đạt 2.812,2 USD/tấn.
"Việc Mỹ tăng nhập khẩu xoài, ổi và măng cụt của Việt Nam cho thấy chủng loại quả này đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu xoài, ổi, măng cụt vào Mỹ trong thời gian tới, do tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp”, Bộ Công Thương nhận định.
Theo đó, thị phần chủng loại quả này của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 0,1% trong 5 tháng đầu năm.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu quả vải thiều tươi sang Nhật. Ảnh: Việt Linh. |
Đánh giá về những thị trường nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả của Thái Lan rất lớn để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó Việt Nam là thị trường rau quả mà Thái Lan đang rất quan tâm.
Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông tin gần 50 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang thị trường Singapore từ cảng Hải Phòng trong tháng 6.
Việt Nam cũng đã xuất khẩu thành công vải thiều sang Nhật Bản, cả bằng đường biển và đường hàng không. Việc xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới.
Đối với EU, đây là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU, điều này là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam.