Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, vừa thông báo rằng họ đã quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Tập đoàn Nhập khẩu và Xuất khẩu Cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) chứ không chọn sản phẩm của Nga, Mỹ và châu Âu, Reuters đưa tin.
Hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Trung Quốc. Ảnh: wordpress.com. |
CPMIEC đang chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ do họ vi phạm luật cấm phổ biến vũ khí đối với Iran, Triều Tiên và Syria.
"Chúng tôi đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc tới chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã mua một hệ thống phòng thủ tên lửa không tương thích với các hệ thống của NATO cũng như các hệ thống phòng thủ tập thể khác. Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.
Một số nhà phân tích quốc phòng phương Tây tỏ ra ngạc nhiên trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi trước đó họ nghĩ Ankara sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hoặc Italy.
Đức, Mỹ, Hà Lan đã điều 6 khẩu đội tên lửa và khoảng 400 binh sĩ tới phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay sau khi Ankara yêu cầu NATO giúp đỡ họ trong việc ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa từ Syria. Vậy mà giờ đây chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.
Từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ vốn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực Trung Đông. Trước đây quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò lớn trong nền chính trị nước nhà và cũng chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ. Sau khi Thủ tướng Tayyip Erdogan cầm quyền vào năm 2002, ông đã giảm dần vai trò của quân đội trong chính trường. Vụ mua tên lửa của Trung Quốc là một bằng chứng cho thấy quân đội không thể tác động tới quyết định của chính phủ.