Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/6 tuyên bố bổ sung thêm 4 cơ quan truyền thông Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ vào nhóm “cơ quan tuyên truyền của chính phủ nước ngoài”.
Việc này có nghĩa các đơn vị này phải tuân thủ các quy định và giới hạn như với những nhà ngoại giao.
Trụ sở Truyền hình trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: NYT. |
Bốn tổ chức bị Mỹ nhắm tới lần này là Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Thông tấn xã Trung Quốc (CNS), Nhật báo Nhân dân, và Thời báo Hoàn cầu.
Với động thái này, các tổ chức buộc phải cung cấp toàn bộ danh sách nhân viên cùng các bất động sản mà họ đang quản lý ở nước sở tại cho Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trước đó, Washington đã tuyên bố xem 5 tổ chức báo chí Trung Quốc tại Mỹ, gồm Tân Hoa Xã, CGTN, China Radio, China Daily và một cơ quan phát hành của Nhân dân Nhật báo, là các cơ quan tuyên truyền của chính phủ nước ngoài.
Điều này dẫn đến việc Mỹ giới hạn số lượng nhân viên Trung Quốc thuộc 5 cơ quan trên được làm việc tại Mỹ, tổng cộng không quá 100 người. Những người còn lại phải về nước nếu visa của họ gắn với công việc làm báo ở Mỹ.
Hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết Mỹ muốn trừng phạt Bắc Kinh vì đã can thiệp, cản trở quyền tác nghiệp của các phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc, theo New York Times.
Trung Quốc đã trục xuất ba phóng viên Wall Street Journal một ngày sau động thái này của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích việc trục xuất phóng viên Wall Street Journal là phản ứng lại bài viết trên báo này, chỉ trích cách ứng phó virus corona, có tựa đề “China Is the Real Sick Man of Asia” (tạm dịch: “Trung Quốc là Đông Á bệnh phu”).