Nkeze không ở nhà khi các chiến binh người Cameroon đến gõ cửa, có lẽ để đưa ra tối hậu thư buộc anh tham gia phong trào ly khai của họ hoặc bị chặt đứt cánh tay viết chữ.
Chàng sinh viên kinh tế 24 tuổi trốn thoát đến Douala, thành phố lớn nhất của đất nước, chỉ để nhận ra rằng chính phủ muốn bắt giữ anh vì tham gia cuộc biểu tình của trường đại học.
Sau đó, anh bay tới Ecuador và đi qua 8 quốc gia đến biên giới Mỹ với Mexico, bao gồm chuyến đi bộ xuyên rừng rậm Panama, nơi anh nhìn thấy xác chết và người tị nạn cầu xin nơi trú ẩn, thức ăn và nước uống.
Người đàn ông Honduras Erwin Ardon, người xin tị nạn nước ngoài đầu tiên đến Guatemala từ El Paso, Texas, theo thỏa thuận của Mỹ đưa người tị nạn đến quốc gia thứ ba an toàn, ở thành phố Guatemala ngày 21/11. Ảnh: Reuters. |
Trong quá trình làm thủ tục định cư với người thân ở Houston, Nkeze phải đối mặt trở ngại không thể vượt qua: lệnh cấm mới của Mỹ ngăn bất kỳ ai xin tị nạn tại biên giới Mỹ - Mexico nếu họ đi qua một quốc gia khác để đến đó.
"Khi bạn thấy mình ở trên đất Mỹ, bạn được bảo vệ tốt. Bạn được bảo vệ bởi quyền con người", Nkeze nói với AP với giọng điệu có vẻ lạc quan khi anh chờ đợi ở Tijuana để có cơ hội nhập cảnh.
Trả người tị nạn về điểm trung chuyển
Mỹ đang gia tăng liên kết với các nước giàu có ở châu Âu và các nơi khác để biến tị nạn thành viễn cảnh xa vời hơn.
Hôm 21/11, các nhà chức trách Mỹ đã gửi một người đàn ông gốc Honduras từ El Paso, Texas, đến Guatemala. Đây là lần đầu tiên chính phủ dẫn một người xin tị nạn trở lại đất nước đó theo chính sách mới, cho anh ta lựa chọn nộp đơn ở đó. Anh đã quyết định không nộp đơn và trở về Honduras, theo Bộ Ngoại giao Guatemala.
Tị nạn từng là phương sách thứ hai, cho đến khi sự gia tăng chưa từng thấy của người di cư biến Mỹ thành điểm đến hàng đầu thế giới năm 2017, theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc. Mỹ giữ vị trí hàng đầu năm ngoái, tiếp theo là Peru, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tình nguyện viên gọi tên những người trong danh sách chờ xin tị nạn ở Mỹ dọc biên giới Mỹ - Mexico ở Tijuana, Mexico, ngày 12/11. Ảnh: AP. |
Gần một nửa trong số khoảng 1 triệu trường hợp tại các tòa án thụ lý nhập cư Mỹ là yêu cầu tị nạn, với hầu hết từ Guatemala, El Salvador và Honduras.
Ông Trump gọi tị nạn là "lừa đảo" và tuyên bố rằng nước này đã "kín chỗ". Sau 9 tháng, chính quyền đã trả lại hơn 55.000 người xin tị nạn cho Mexico để chờ vụ việc của họ được đưa ra tòa án Mỹ. Một lệnh cấm tị nạn khác đối với bất kỳ ai đi qua biên giới bất hợp pháp từ Mexico tạm thời bị tòa án chặn lại.
Mỹ đã đạt được các thỏa thuận với Guatemala, El Salvador và Honduras nhằm gửi lại những người xin tị nạn đi qua đất nước của họ nhưng các quốc gia Trung Mỹ đang không sẵn sàng chấp nhận số lượng lớn.
Hôm 19/11, Cơ quan Tị nạn Mỹ cho biết lệnh cấm này không phù hợp với luật pháp quốc tế và "có thể dẫn đến việc chuyển các cá nhân dễ bị tổn thương sang các quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt những nguy hiểm đe dọa tính mạng".
Tị nạn dành cho những người chạy trốn cuộc đàn áp dựa trên chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, niềm tin chính trị hoặc tư cách thành viên của họ trong một nhóm xã hội. Nó không dành cho những người di cư do kinh tế nhưng nhiều người coi đó là hy vọng tốt nhất để thoát khỏi nghèo đói và bạo lực.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất yêu cầu các quốc gia khác chặn người di cư. Năm 2016, sau khi khoảng 1 triệu người tị nạn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để tìm kiếm sự an toàn ở châu Âu, Liên minh Châu Âu đã đồng ý trả cho Thổ Nhĩ Kỳ hàng tỷ euro để giữ họ trong các trại tị nạn.
EU cũng đã tài trợ cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Libya để ngăn chặn người châu Phi băng qua Địa Trung Hải, nơi hàng nghìn người bị chết đuối. Các lực lượng Libya đã giữ những người tị nạn trong điều kiện tồi tệ và bị tra tấn.
Từ năm 2001, Australia liên tục chặn thuyền từ châu Á và giam giữ những người xin tị nạn trên đảo Giáng sinh, lãnh thổ nhỏ bé của Australia, hoặc gửi họ đến Papua New Guinea và Nauru, quốc đảo gồm 10.000 người. Australia trả chi phí giam giữ.
Tìm chính sách khắc nghiệt nhất để ngăn nhập cư
Mỹ từ lâu đã tái định cư nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, tăng lên mức trần 110.000 trong năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Việc này đã bị hạn chế mạnh mẽ kể từ khi ông Trump nhậm chức, với kế hoạch tái định cư không quá 18.000 người tị nạn vào năm 2020.
"Có một cuộc đua xuống đáy khắp thế giới, các chính phủ đang dò xét lẫn nhau và tìm ra đâu là chính sách khắc nghiệt nhất để thoát khỏi người tị nạn", David FitzGerald, giáo sư xã hội học tại Đại học California ở San Diego, nói với AP.
Ecuador, cửa ngõ chính từ châu Âu, bắt đầu yêu cầu thị thực cho người dân Cameroon và 10 quốc tịch khác vào tháng 8, bao gồm 6 nước ở châu Phi. Dưới áp lực nặng nề từ ông Trump, Mexico đang dồn ép người dân Cameroon và những người xin tị nạn tại Mỹ gần biên giới phía nam của họ với Guatemala.
Những người di cư tập trung tại biên giới Mỹ - Mexico để nghe gọi tên trong danh sách chờ xin tị nạn vào Mỹ, ngày 10/11. Ảnh: AP. |
Ngay cả trước lệnh cấm, rất khó để xin tị nạn vào Mỹ. Các thẩm phán chỉ đảm bảo 21% trường hợp, tức hơn 13.000 người trong tổng số hơn 62.000 đơn, trong năm tài chính 2018.
"Về cơ bản, họ muốn bạn mang theo giấy tờ từ kẻ tra tấn trước khi họ sẵn sàng để bạn ở lại Mỹ", Stephen Yale-Loehr, giáo sư về thực hành luật di trú tại Đại học Cornell, cho biết.
Nkeze có thể gặp may khi một thẩm phán liên bang ở San Diego phán quyết hôm 19/11 rằng bất kỳ ai xuất hiện tại một cửa khẩu biên giới Mỹ trước khi lệnh cấm được công bố vào ngày 16/7 có thể chờ xem tên của mình trong danh sách miễn trừ.
Anh đã chờ 5 tháng ở Tijuana để đến lượt mình trong danh sách gần 9.000 người đang xin tị nạn tại một cửa khẩu biên giới San Diego.
Khi tên của anh cuối cùng được gọi là ngày 12/11, anh đeo huy hiệu quốc kỳ Mexico trên ngực áo khoác khi chính quyền Mexico hộ tống anh đến các thanh tra biên giới Mỹ. Anh nói rằng việc này để thể hiện sự tôn trọng.
Anh lập tức bị đưa vào trại giam người nhập cư và đang bị giữ tại một trại giam ở Arizona.