Khi được hỏi về việc Italy chuẩn bị ký với Bắc Kinh một bản ghi nhớ để chính thức ủng hộ Sáng kiến Vành đai – Con đường, phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông W. Patrick Murphy, cho rằng sáng kiến này có sự "thiếu minh bạch và thiếu bền vững".
"Nhiều ý kiến ở Italy đã tỏ ra lo ngại về việc hợp tác với Sáng kiến Vành đai – Con đường, cụ thể là về sự thiếu minh bạch và thiếu bền vững trong các dự án thuộc sáng kiến này”, ông Murphy trả lời các phóng viên.
Ông nhấn mạnh các nước đều có quyền lựa chọn phù hợp với lợi ích của mình và đó đều là lựa chọn chính đáng, nhưng cũng cảnh báo các nước cần hiểu rõ những “thách thức” của các dự án đầu tư thuộc Vành đai – Con đường.
“Chúng ta đã thấy trong các dự án đầu tư do nhà nước chỉ đạo, thường xuất hiện những thách thức về tham nhũng và kết quả dự án không đạt so với ưu tiên của nước sở tại. Sáng kiến Vành đai – Con đường được triển khai với những tiêu chuẩn và nguyên tắc khác”, ông Murphy nói thêm.
Dự án của Trung Quốc tập trung vào việc kết nối châu Á và châu Âu thông qua các hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng biển. Đồ họa: McKinsey & Company. |
Sáng kiến Vành đai – Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo Con đường Tơ lụa thời cổ đại nối liền Trung Quốc, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến này đã nhận được 460 tỷ USD tiền đầu tư từ khi công bố năm 2013.
Tuy nhiên, có những ý kiến lo ngại các khoản vay trong sáng kiến này sẽ khiến một số nước đang phát triển rơi vào “bẫy nợ”. Sri Lanka vào năm 2017 đã cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm, sau khi không thể trả các khoản nợ cho dự án cảng có trị giá 1,5 tỷ USD này.
Cuối tháng 1, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad đã hủy dự án đường sắt 20 tỷ USD, vì không bằng lòng với chi phí xây dựng và điều khoản cho vay của các ngân hàng Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về tương lai của các cuộc tuần tra tự do hàng hải, ông Murphy nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ là ủng hộ tự do hàng hải, vốn là “lợi ích của cả thế giới”, và Mỹ “không có ý tuyên bố chủ quyền hay thể hiện lập trường trong các tranh chấp”.
“Chúng tôi thực hiện tuần tra như vậy ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm ở những nơi được các nước đồng minh của Mỹ tuyên bố chủ quyền. Năm ngoái, Mỹ đã thực hiện gần 30 chiến dịch tuần tra. Tại Biển Đông, chúng tôi vẫn sẽ tuần tra trên biển, trên không, và ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, ông Murphy tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc tăng cường năng lực an ninh của Việt Nam.
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã liên tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây đảo và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông - tuyến hàng hải quan trọng với khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa thông thương mỗi năm – chiếm 1/3 tổng thương mại toàn cầu.
Trong nhiều năm nay, Mỹ đã tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) bằng tàu chiến hoặc máy bay chiến đấu trên Biển Đông.