Các nước châu Âu sẽ tiếp tục hiện diện mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm việc thực hiện các chiến dịch trên biển, để chống lại các hoạt động gây lo ngại của Trung Quốc trong khu vực, theo các nhà phân tích và nguồn tin ngoại giao.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ có đường lối chính sách chung, chẳng hạn như chống sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và thúc đẩy tự do hàng hải, nhưng các chương trình, hoạt động cụ thể “sẽ do các nước thực hiện, và sẽ diễn ra thường xuyên hơn”, Liselotte Odgaard, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson, một viện chính sách bảo thủ ở Washington, nói trong một sự kiện thảo luận về vai trò của EU trong khu vực, theo South China Morning Post.
Tàu USS McCampbell và HMS Argyll trong cuộc tập trận chung Mỹ - Anh tại Biển Đông vào tháng 1. Ảnh: Reuters. |
Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng với khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa thông thương mỗi năm – chiếm 1/3 tổng thương mại toàn cầu. Ấn Độ và các nước EU đã liên tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây đảo và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển này. Mỹ đã tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) bằng tàu chiến hoặc máy bay chiến đấu, trong khi Pháp cũng nhiều lần điều tàu qua Biển Đông kể từ năm 2014.
Một số nước khác đã cử đại diện tham các chuyến tuần tra của Pháp để ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng luật quốc tế về tự do hàng hải, theo bà Odgaard. “Năm nay, Đan Mạch sẽ cử một tàu khu trục còn Pháp sẽ cử một nhóm tàu sân bay”, bà nói.
Bà Odgaard cho rằng các nước châu Âu nên tập trận với Ấn Độ và Nhật Bản. Trong khi đó, Anh đang có kế hoạch cử một tàu sân bay đến Thái Bình Dương và cân nhắc lập căn cứ quân sự trong khu vực. Pháp đang thảo luận về việc tập trận với Nhật.
Các nước châu Âu đang ngày càng lo ngại về thách thức cả về kinh tế lẫn an ninh từ Trung Quốc, vốn bị cáo buộc không tuân thủ luật lệ quốc tế.
Tàu chiến Mỹ từ đầu năm 2019 đến nay cũng có hai lần tiến hành tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Reuters. |
Trong một báo cáo tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên chỉ ra Trung Quốc là “nước cạnh tranh về kinh tế” và về “mô hình điều hành chính phủ”. EC cũng đưa ra 10 đề xuất để giúp EU kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh– đối tác thương mại lớn nhất của khối.
Lãnh đạo EU sẽ thảo luận các đề xuất này ngày 21/3 tại một hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức để đối phó với Trung Quốc, trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc vào tháng 4.
Cũng tại sự kiện ở Washington, John Hemmings, giám đốc một viện chính sách của Anh, nói rằng nước này đang cân nhắc chính sách chia sẻ thông tin tình báo với Nhật. “Chúng tôi sẽ lo ngại nếu Trung Quốc hay bất kỳ nước nào muốn kiểm soát vùng biển” mà 124 tỷ USD hàng hóa của Anh đi qua (12% tổng hàng hóa nước này), ông Hemmings nói.
Hồi tháng 10/2018, Hà Lan cho biết nước này sẽ cử tàu chiến để tham gia vào tổ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth khi đến vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương để tuần tra tự do hàng hải vào năm 2021.
Các nước châu Âu “sẽ cùng hoạt động thành nhóm như vậy”, ông Hemmings nói. “Và sẽ có nhiều hơn các hoạt động như vậy”.