Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ sẽ 'nắm thóp' 3 điểm yếu của Trung Quốc?

Các chuyên gia nhận định Mỹ có thể tận dụng điểm yếu của Trung Quốc về vị trí địa lý, xung đột với láng giềng, và giới hạn về năng lực để ngăn chặn tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

doi dau My Trung anh 1

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt và toàn diện, Mỹ cùng các đồng minh có thể khai thác một số điểm yếu của Bắc Kinh, buộc quân đội Trung Quốc phải trả cái giá đắt đỏ nếu muốn mở rộng quyền lực và ảnh hưởng ra toàn cầu, theo South China Morning Post.

3 điểm yếu của Trung Quốc

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, tổ chức tư vấn chính sách trụ sở Washington, các chuyên gia nhận định tốc độ phát triển và hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc đang tăng nhanh.

Điều này đồng nghĩa Bắc kinh sẽ sớm vươn tầm ảnh hưởng quân sự vượt khỏi khu vực Đông Á, thách thức Washington trên nhiều mặt trận, ở nhiều khu vực.

Báo cáo nhận định, để có thể đối phó với ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh, Washington cần khai thác hiệu quả những điểm yếu chiến lược.

Điểm yếu đầu tiên, và là cố hữu của Trung Quốc, nằm ở vị trí địa lý. Trung Quốc bị bao quanh bởi nhiều cường quốc và quốc gia tầm trung.

doi dau My Trung anh 2

Hải quân Nga - Trung trong một cuộc tập trận chung hồi tháng 5/2019. Ảnh: Xinhua.

Trên đất liền, Trung Quốc tiếp giáp hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Nga ở phía bắc và Ấn Độ ở phía tây nam.

Trên biển, Trung Quốc bị "bao vây" bởi chuỗi đảo gồm các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Philippines. Xa hơn về phía nam là Singapore, Malaysia và Australia.

Vị trí địa lý là một phần nguyên nhân dẫn đến điểm yếu thứ hai. Đó là quân đội Trung Quốc phải luôn duy trì đủ nguồn lực để xử lý các cuộc khủng hoảng có thể phát sinh trong khu vực ngay sát sân nhà.

Điều này khiến Bắc Kinh không thể toàn tâm toàn ý tập trung mọi nguồn lực cho tham vọng toàn cầu của mình.

Để so sánh, Mỹ được che chở bởi Đại Tây Dương ở phía đông và Thái Bình Dương ở phía tây. Hai quốc gia duy nhất có biên giới trên bộ tiếp giáp với Mỹ là hai nước thân thiện: Canada và Mexico.

Điểm yếu thứ ba là vấn đề hậu cần. Để chứng tỏ bản thân là một cường quốc quân sự uy tín, Trung Quốc cần có mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu, đáp ứng các nhu cầu về chính trị, ngoại giao, kinh tế, pháp lý quốc tế. Đây là điều Bắc Kinh hiện chưa đạt được.

Chiến lược kiềm tỏa Trung Quốc

Toshi Yoshihara và Jack Bianchi, hai tác giả của báo cáo, cho rằng Trung Quốc sẽ phải chọn giữa hai chiến lược phát triển: trên bộ hoặc trên biển.

Trên bộ, Trung Quốc có lịch sử xung đột lâu dài và đang nóng bỏng trở lại với Ấn Độ. Trên biển, Trung Quốc đối đầu với Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cùng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Không dừng lại ở đó, đảo Đài Loan sẽ là mối quan tâm thường trực của Trung Quốc, với xu thế đòi độc lập ngày càng dâng cao.

Những tranh chấp với láng giềng và vấn đề nội bộ sẽ tiêu hao nguồn lực đáng kể, khiến Trung Quốc gặp khó khăn và thêm phần tốn kém nếu muốn theo đuổi chiến lược toàn cầu.

"Mỹ và các đồng minh có thể theo đuổi những chiến lược buộc Bắc Kinh phải phân tán các nguồn lực ra nhiều vùng biển khác nhau, hoặc ra ngoài phạm vi lục địa", báo cáo đánh giá.

Bằng cách cản trở hoạt động trên biển và trên không, thông qua việc củng cố năng lực quốc phòng của Nhật Bản, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ sẽ buộc Bắc Kinh phải đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động trong vùng biển gần đại lục.

doi dau My Trung anh 3

Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti. Ảnh: AFP.

Mỹ cũng có thể tăng cường các khí tài sát thương tại vùng biển nhiều tranh chấp xung quanh lãnh hải của Trung Quốc.

Năng lực của quân đội Trung Quốc, dù ngày càng được hiện đại hóa, chưa thể bắt kịp nhu cầu bảo vệ các lợi ích ngày càng mở rộng của nước này trên phạm vi toàn cầu.

Để thực thi quyền lực, Bắc Kinh cần có sức mạnh hậu cần ở nước ngoài. Đây là điểm yếu then chốt của Trung Quốc, nhưng lại là ưu thế vượt trội của Mỹ, báo cáo nhấn mạnh.

Mỹ và các đồng minh có thể loại trừ nguy cơ Bắc Kinh xây dựng các căn cứ ở nước ngoài trong tương lai thông qua "phát động cuộc phản công về ngoại giao và thông tin" nhắm tới các nước đối tác tiềm năng của Trung Quốc.

Bằng cách phô bày sự không đáng tin cậy, hướng tập trung vào những âm mưu "nuôi dưỡng sự lệ thuộc" và "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh, Mỹ sẽ khiến các quốc gia phải suy nghĩ lại trước khi cho phép Trung Quốc lập căn cứ.

Đòn công kích vào tâm lý các nước chủ nhà có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới hoạch định chính sách của Bắc Kinh, xói mòn uy tín của quân đội Trung Quốc.

"Mỹ và các đồng minh cần cho thấy năng lực ngăn chặn hạm đội viễn dưỡng và các lực lượng tiên phong của Trung Quốc; cũng như đường dây thông tin liên lạc trên biển được dùng để hỗ trợ hoạt động của quân đội và duy trì nền kinh tế của Trung Quốc", các tác giả nhận định.

Báo cáo nhấn mạnh, thay vì "chờ đợi và hy vọng Trung Quốc suy yếu", Washington nên triển khai các sáng kiến và ngay lập tức hành động.

"Mỹ và các đồng minh phải hành động ngay lúc này để lợi dụng các điểm yếu của Trung Quốc khi chúng (các điểm yếu) vẫn còn dễ bị thao túng và khai thác", báo cáo nhận định.

Trong dài hạn, Trung Quốc sẽ đối mặt thêm nhiều vấn đề về hệ thống, như quy mô dân số giảm, ô nhiễm môi trường, hay các khoản nợ tiềm ẩn có thể gây ra khủng hoảng nội bộ.

Từ Bắc Kinh, nhà nghiên cứu quân sự Zhou Chenming cho rằng các chiến lược mà báo cáo đề xuất có thể gây ra một số rắc rối cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động sẽ chỉ ở mức giới hạn bởi một số giả định sai lệch.

Ông Zhou cho rằng mục tiêu vươn ra toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai vẫn tập trung vào các lợi ích thương mại và kinh tế, hơn là phô trương sức mạnh quân sự.

"Chính quyền Biden vẫn chưa công bố rõ chính sách với Trung Quốc, vì thế chúng ta phải chờ xem họ có lựa chọn những đề xuất này hay không", ông Zhou nói.

Phiến quân IS và al-Qaeda chuẩn bị 'tấn công rầm rộ'

Liên Hợp Quốc cảnh báo các tổ chức khủng bố như IS và al-Qaeda đang lên kế hoạch tấn công quy mô lớn, khi những biện pháp phong tỏa phòng dịch Covid-19 có dấu hiệu được nới lỏng.

Điện Kremlin: Nga sẵn sàng đối thoại với chính quyền Biden

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/1 cho biết Moscow mong muốn thiết lập kênh đối thoại với chính quyền của ông Biden để giải quyết bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ.

Sau Facebook, Myanmar chặn tiếp Twitter và Instagram

Chính quyền quân sự Myanmar yêu cầu chặn Twitter và Instagram, sau khi hàng nghìn người chuyển sang sử dụng hai nền tảng này để phản đối vụ chính biến do quân đội tiến hành.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm