Jeffrey Zients - điều phối viên ứng phó vấn đề virus corona của Tổng thống Joe Biden - nói với báo giới rằng “bước tiếp cận nhất quán” mới này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11, theo AFP.
Tuyên bố trên từ Nhà Trắng sẽ đánh dấu sự kết thúc của lệnh cấm đi lại do chính quyền thời ông Donald Trump áp đặt cách đây hơn 18 tháng trong giai đoạn đầu của đại dịch. Quyết định dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại này được đưa ra sau sự vận động hành lang tích cực từ Brussels và London.
Theo chính sách hiện tại, chỉ những công dân Mỹ, gia đình ruột thịt, người có thẻ xanh và những người được miễn trừ lợi ích quốc gia (NIE) mới có thể nhập cảnh vào Mỹ nếu họ đã ở Anh hoặc EU trong hai tuần trước đó.
Du khách rời ga tại sân bay quốc tế Los Angeles hồi tháng 5. Ảnh: AFP. |
Ngoài Vương quốc Anh và 26 quốc gia Schengen ở châu Âu, lệnh dỡ bỏ hạn chế đi lại cũng sẽ áp dụng cho Ireland, Trung Quốc, Iran, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ.
Theo lời ông Zient, du khách quốc tế sẽ cần cung cấp bằng chứng tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Động thái này nằm trong khuôn khổ hệ thống du lịch mới của Mỹ, bao gồm các quy tắc cập nhật về truy vết tiếp xúc và khẩu trang, có nghĩa là những người Mỹ chưa tiêm chủng sẽ phải đối mặt với các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt hơn.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận động thái trên là nỗ lực nhằm xoa dịu châu Âu sau khi hiệp ước an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia - hay hiệp ước AUKUS - được công bố. Hiệp ước này khiến Pháp mất đi thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Australia.
Erica Barks-Ruggles, một quan chức cấp cao của Cơ quan Các vấn đề Tổ chức Quốc tế, cho biết: “Động thái này thực sự xuất phát từ khoa học về Covid-19 và khi ngày càng có nhiều người được tiêm chủng trên khắp thế giới, chúng tôi muốn mọi người có thể đi lại tự do hơn".