Những gì xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất mà con người phải đối mặt từ sau vụ Chernobyl năm 1986. Khoảng 150.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa sau vụ việc.
Tuy nhiều người đã có thể quay trở lại, gần 400 km2 đất vẫn bị coi là không thích hợp cho con người sinh sống.
Để nghiên cứu về tác động lâu dài của phóng xạ tại Fukushima, rắn là loài vật được các nhà khoa học lựa chọn.
Loài rắn được các nhà khoa học sử dụng để nghiên cứu về hiện tượng ô nhiễm phóng xạ tại Fukushima. Ảnh: Reuters. |
“Rắn là loài vật quan trọng trong hệ sinh thái. Chúng vừa là kẻ săn mồi nhưng cũng vừa là con mồi”, bà Hannah Gerke, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giải thích.
Các nhà khoa học bắt hàng triệu con rắn, chủ yếu là rắn chuột, và gắn máy đo nồng độ phóng xạ và thiết bị định vị lên cơ thể chúng. Qua đó, họ có thể theo dõi mức độ phóng xạ dựa trên chuyển động và vị trí của rắn.
Số liệu thu được cho thấy những cá thể rắn sống trong khu vực nhiễm xạ nặng có mật độ phóng xạ trong cơ thể cao gấp 22 lần những cá thể khác.
Nghiên cứu được thực hiện từ mùa hè năm 2018. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng rắn để đo lường mức độ phóng xạ tại Fukushima.
Theo bà Gerke, mức độ ô nhiễm phóng xạ hiện nay thấp hơn nhiều so với thời điểm ngay sau sự cố nhờ quá trình phân rã phóng xạ. Các dạng địa hình khác nhau cũng có mức độ ô nhiễm khác nhau, dù khoảng cách giữa chúng không lớn. Điều này cho thấy chất phóng xạ không tích tụ đều trong khu vực ô nhiễm.
“Chất phóng xạ thường xuất hiện nhiều trong đất và tích tụ trong mô cơ của rắn”, bà Gerke cho biết. “Tuy nhiên chúng tôi không rõ mức độ nào là nguy hại”.