Việc Mỹ nâng lãi suất 2 năm qua để đối phó lạm phát đang khiến quốc gia này phải chi nhiều tiền hơn để trả lãi khối nợ công lên tới gần 35.000 tỷ USD. Ảnh: Kitco News. |
Thị trường tài chính sắp chứng kiến một trong những cuộc "di cư vốn" lớn nhất lịch sử khi các nhà đầu tư đổ xô vào hard assets (tài sản cứng), Larry McDonald, nhà sáng lập The Bear Traps Report và là tác giả của cuốn sách kinh tế bán chạy nhất của New York Times nói với Kitco News.
Tài sản cứng có thể hiểu là những tài sản có giá trị hữu hình, ví dụ như đất đai, xe cộ hoặc vàng...
Việc Mỹ nâng lãi suất 2 năm qua để ghìm lạm phát giúp nhà đầu tư trái phiếu kiếm bộn tiền. Ngược lại, chính phủ nước này phải chi nhiều tiền hơn để trả lãi cho khối nợ công lên tới gần 35.000 tỷ USD.
Mỹ chỉ có 2 cách để thoát khỏi tình trạng này, vỡ nợ hoặc in thêm tiền, McDonald nói với Michelle Makori, Tổng biên tập của Kitco News.
“Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng nợ nần đó là giữ lạm phát ở mức cao hơn lãi suất, chính xác đây là cách kiếm tiền từ khoản nợ. Đó là lý do tại sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần thay đổi và đưa mục tiêu lạm phát cao hơn nhiều mức 2% đang hướng tới.
Đây sẽ là một vụ vỡ nợ chậm và có thể quản lý được. Tôi cho rằng đây là cách duy nhất mà nhà quản lý có thể sử dụng để thoát khỏi hố nợ khổng lồ này", McDonald nói.
Ông McDonald chỉ ra rằng để kiềm chế lạm phát trở lại mức 2%, Fed cần tiếp tục tăng lãi suất, nhưng họ không thể làm điều đó nếu không có một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008 xảy ra.
“Powell cần tăng lãi suất thêm 1,5 điểm % nữa. Nhưng nếu đẩy lãi suất lên cao từ đây, họ sẽ nhanh chóng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn nhiều so với cuộc sụp đổ của ngân hàng Lehman”, ông đánh giá.
Ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng người dân Mỹ đã đạt tới giới hạn chịu đựng trước các mức giá tiêu dùng cao. Ảnh: Reuters. |
Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất để tránh sự sụp đổ của ngành ngân hàng và một cuộc suy thoái tàn khốc. Tuy nhiên, trước tiên, ngân hàng trung ước nước này phải nâng mục tiêu lạm phát cao hơn 2% vì mức mục tiêu này đã không còn khả năng đạt được.
McDonald lưu ý Fed sẽ bắt đầu lưu hành các "sách trắng" và làm việc với các ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới để đưa ra vấn đề này một cách "nội bộ".
Ông nói thêm cuộc thảo luận về sự thay đổi lạm phát có thể bắt đầu ngay sau Hội nghị chuyên đề về chính sách kinh tế Jackson Hole, diễn ra vào tháng 8.
Đây là cuộc họp thường niên bao gồm các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới, từ lâu đã trở thành một sự kiện quan trọng đối với những người theo dõi Fed cũng như các nhà đầu tư.
McDonald cũng cân nhắc về tình trạng của ngành ngân hàng Mỹ, cảnh báo về một chu kỳ M&A lớn sắp xảy ra.
Mỹ đang ở trong một cuộc chiến lạm phát dai dẳng, theo McDonald tất cả loại tài sản sẽ chứng kiến sự định giá lại một cách “đáng kể” và khi đó dòng vốn trên thị trường sẽ chuyển dần sang các loại tài sản cứng.
“Thời điểm Fed bắt đầu hành động, điều này tạo ra một kịch bản tăng giá rất tốt đối với các loại tài sản cứng”, ông nhận định.
Thị trường hàng hóa tăng giá sẽ thống trị bối cảnh tài chính, với một số kim loại có xu hướng tăng giá đáng kể. McDonald dự đoán giá vàng sẽ đạt mức 3.000-3.500 USD/ounce trong 12-18 tháng tới.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.