Theo đó, các công ty Mỹ giờ có thể bán chip hoặc sản phẩm điện tử của họ cho Huawei từ các chi nhánh nước ngoài mà không cần giấy phép xuất khẩu, kèm điều kiện chúng được sản xuất với ít hơn 25% vật liệu, bằng sáng chế không do công ty Mỹ sản xuất.
Nếu quy định mới có hiệu lực, con số trên sẽ giảm chỉ còn 10%. Theo The Verge, quy định mới đã được Bộ Thương mại đề xuất lên Văn phòng Quản lý Ngân sách (OMB), song buộc phải rút sau khi bị Lầu Năm Góc và Bộ Tài chính phản đối, trong đó Lầu Năm Góc cho rằng nó sẽ gây tổn hại các công ty Mỹ vì giới hạn sản phẩm mà họ có thể bán cho Huawei.
Dù quy định mới bị gỡ bỏ, Huawei vẫn nằm trong danh sách đen cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ. Ảnh: Android Authority. |
Tất nhiên dù ràng buộc mới đã không còn, Huawei vẫn nằm trong danh sách đen của Mỹ. Nhà Trắng đưa Huawei vào "danh sách đen" từ tháng 5/2019. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ cấp giấy phép tạm thời kéo dài 3 tháng để các công ty viễn thông đang sử dụng hạ tầng Huawei có thời gian chuyển đổi công nghệ.
Giấy phép này được gia hạn vào tháng 8, dự kiến hết hạn vào 19/11/2019. Tuy nhiên ngay trước ngày hết hạn, chính quyền Tổng thống Trump đã tiếp tục gia hạn thêm 3 tháng để các công ty Mỹ tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei.
Sau khi cấm vận Huawei, Bộ Thương mại Mỹ đã nhận được nhiều đơn xin cấp phép xuất khẩu từ các công ty nước này. Một số hãng sản xuất chip của Mỹ như Micron hay Broadcom cho rằng Huawei có thể mua linh kiện bán dẫn từ bất kỳ hãng sản xuất nào trên thế giới, do đó đây không phải loại giao dịch ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc lập luận rằng việc đưa công ty vào danh sách đen sẽ ảnh hưởng đến Mỹ nhiều hơn, gây tổn hại đến kinh tế của các công ty Mỹ hợp tác với Huawei.
Cuối tháng 10/2019, hãng nghiên cứu thị trường Canalys thông báo doanh số smartphone Huawei tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp việc bị Mỹ cấm vận.
Lệnh cấm đã khiến Google rút cấp phép sử dụng Android cho smartphone Huawei, song một số công ty vẫn có thể hợp tác phần nào với Huawei, quy định mới được đề xuất nhằm ngăn chặn mọi con đường làm ăn giữa 2 bên.