Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ quyết trở thành kho vaccine cho thế giới

Tổng thống Joe Biden khẳng định hàng trăm triệu liều vaccine sẽ tiếp tục được Mỹ viện trợ cho các nước khắp thế giới mà không nhằm đổi lại bất cứ điều kiện hay nhượng bộ nào.

my vien tro vaccine anh 1

Mỹ đã hoàn thành chuyển giao 110 triệu liều vaccine Covid-19 tới 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổng thống Joe Biden thông báo hôm 3/8. Ông cũng cho biết Mỹ đã mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để quyên góp cho các nước thu nhập thấp và trung bình, lô đầu tiên sẽ lên đường vào cuối tháng 8.

"Chúng ta không thể xây một bức tường đủ cao để giữ bản thân an toàn trước Covid-19 ở các nước khác", ông Biden nói, nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy tiêm chủng trên toàn cầu, theo NPR.

Không chỉ là đưa vaccine lên máy bay

Số vaccine mà Mỹ cam kết viện trợ chỉ là bước đầu tiên, và là một phần nhỏ trong 11 tỷ liều vaccine cần thiết để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới, giúp kiểm soát dịch bệnh.

"Chia sẻ vaccine không phải chỉ là đưa chúng lên máy bay và gọi ai đó ở đầu bên kia, thông báo thời điểm vaccine đến nơi", Gayle Smith, điều phối viên chương trình ứng phó Covid-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.

Hai tháng qua, việc chuyển giao những lô vaccine đầu tiên từ Mỹ tới các nước đối tác đã gặp những chậm trễ nhất định.

Các rào cản về thủ tục và pháp lý là điều không tránh khỏi khi liên quan tới những sản phẩm y tế phức tạp như vaccine, từ cả phía Mỹ cũng như nước tiếp nhận, bà Smith cho biết.

my vien tro vaccine anh 2

Lô vaccine Moderna được Mỹ chuyển giao cho Colombia. Ảnh: AFP.

Những thách thức trong thủ tục, hậu cần dẫn đến việc chuyển giao chậm trễ là một vấn đề nghiêm trọng, bởi vaccine phải được sử dụng trước khi hết hạn, cũng như cần được bảo quản lạnh phù hợp để tránh chúng bị hư hỏng.

Giải pháp cho những rào cản nói trên rất khác biệt tùy vào nước đối tác nhận viện trợ, đôi lúc đòi hỏi những thỏa thuận pháp lý phức tạp. Và dù là người viện trợ, chính quyền Tổng thống Biden không ở vị thế có thể quyết định mọi thứ.

"Ở một số quốc gia, chính phủ phải trình luật mới lên quốc hội để họ có thể tiếp nhận vaccine. Đó là một quy trình phức tạp, nhưng tôi tin chúng ta có thể làm được", bà Smith nói.

110 triệu liều vaccine đã chuyển giao đến nay phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden, chứng minh rằng nước Mỹ là "kho vaccine của thế giới". Đây cũng là bước khởi động quan trọng cho hàng trăm triệu liều vaccine mà Mỹ cam kết sẽ chuyển giao trong thời gian tới.

Mỹ hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về viện trợ vaccine, nhiều hơn tất cả quốc gia khác cộng lại, Tổng thống Biden cho biết.

Tuy nhiên, tốc độ chuyển giao vaccine chậm hơn nhiều so với kỳ vọng, theo ông Krishna Udayakumar - giám đốc Trung tâm Đổi mới Y tế toàn cầu Duke.

"Khi mà thế giới cần 10 tỷ liều vaccine để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng, chúng ta mới chỉ đi được 1/100 quãng đường cần thiết", ông Udayakumar nói.

Trong phát biểu hôm 3/8, Tổng thống Biden thừa nhận thế giới cần thêm hàng tỷ liều vaccine nữa. Không chỉ viện trợ vaccine, ông chủ Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ giúp các quốc gia đối tác mở rộng năng lực sản xuất vaccine.

Sẽ phải chi thêm tiền

Trong bối cảnh biến chủng siêu lây nhiễm Delta đang lan rộng, các chuyên gia y tế toàn cầu kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho ứng phó với đại dịch.

"Lúc này, các nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh dường như không tương xứng với cuộc khủng hoảng đang nổ ra ở một số khu vực trên thế giới", Jenny Ottenhoff, giám đốc chương trình giáo dục và y tế toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign, cho biết.

Tốc độ triển khai vaccine tới những nơi mà khả năng tiếp cận vaccine còn hạn chế có thể định đoạt chiều hướng phát triển của dịch bệnh, cũng như giúp giảm nhẹ tình trạng tử vong.

Theo ước tính của Viện Đánh giá và Đo lường Y tế, Đại học Washington, ít nhất 800.000 người mắc Covid-19 sẽ tử vong trong 2 tháng tới.

Trong một thư ngỏ đề ngày 3/8, một nhóm các chuyên gia y tế danh tiếng cho rằng chính quyền Tổng thống Biden và các nước G7 đã "có những bước đi quan trọng, nhưng vẫn còn khiêm tốn để có thể thu hẹp khoảng cách vaccine toàn cầu".

Các chuyên gia kêu gọi Nhà Trắng đẩy nhanh tốc độ viện trợ vaccine, với mục tiêu tối thiểu 1 tỷ liều vào giữa năm 2022, cũng như đẩy mạnh nỗ lực điều phối vaccine toàn cầu, nhằm bảo đảm vaccine viện trợ có thể đến được với người dân.

my vien tro vaccine anh 3

Vaccine Moderna do Mỹ viện trợ cho Indonesia thông qua cơ chế COVAX. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden chuẩn bị chuyển giao thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer cho COVAX, những vấn đề phát sinh liên quan tới 110 triệu liều đầu tiên là hồi chuông cảnh báo những khó khăn trong vận chuyển, hậu cần.

"Có lượng vaccine dư thừa hay một kế hoạch phân bổ vaccine không thôi là chưa đủ. Chúng ta cần chuẩn bị nhiều khía cạnh khác. Những thách thức về hậu cần sẽ vẫn còn đó. Câu hỏi lớn hơn là liệu chúng ta có rút ra được bài học nào không?", Prashant Yadav, chuyên gia của tổ chức phi lợi nhuận Center for Global Development, nhận xét.

Trong tháng 7, Nhà Trắng phát hành tài liệu khung cho chiến lược ứng phó với đại dịch. Nhưng các chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang thiếu một "kiến trúc thượng tầng" phù hợp để vận hành chiến dịch tiêm chủng toàn cầu phức tạp như hiện nay.

"Đội ngũ phụ trách hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Chúng ta cần những nhân sự ở cấp cao hơn, với cách tiếp cận mang tính mệnh lệnh, tương tự chiến dịch tiêm chủng trong nước", Stephen Morrison, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.

Chuyên gia Yadav cho rằng Mỹ đang có cơ hội đảm nhận một vai trò thực chất hơn trong thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, Washington sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho các cơ quan chính phủ liên bang hiện phụ trách chương trình chia sẻ vaccine.

Lúc này, mục tiêu của Washington là đẩy nhanh quá trình thu mua và chuyển giao vaccine, để giúp người dân các nước thu nhập thấp tiếp cận vaccine nhanh nhất có thể.

"Tôi không muốn phóng đại, nhưng thực sự là chúng tôi rất tự hào, bởi không chỉ chuyển giao 80 triệu liều, lúc này chúng tôi đã đạt tới mốc 110 triệu liều", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Gayle Smith cho biết.

Tuy nhiên, bà Smith thừa nhận chừng nào virus còn lây lan nhanh hơn tốc độ tiêm chủng, khi đó dịch bệnh vẫn đang chiến thắng nỗ lực ứng phó của con người.

"Không ai trong chúng tôi nghĩ mục tiêu đã hoàn thành. Vẫn còn một khối lượng công việc khổng lồ ở phía trước. Quý IV năm 2021 rất quan trọng. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa, theo bất cứ cách nào có thể", bà Smith nói thêm.

11 tỷ liều vaccine cần thiết để kiềm chế dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu là một mục tiêu khó khăn cho chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trong thông cáo hôm 3/8, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với COVAX, cũng như các đối tác khu vực, để bảo đảm vaccine sẽ được chuyển giao công bằng, phù hợp với các dữ liệu khoa học.

"Nếu không có sự đi đầu của Mỹ, tôi không nhìn thấy bất cứ cách thức khả dĩ nào để chúng ta có thể xoay chuyển tình thế dịch bệnh, dù là trong 12 hay 18 tháng tới", ông Udayakumar cho biết.

Tuần lễ tồi tệ nhất từ đầu nhiệm kỳ của ông Biden

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa trải qua một tuần đầy sóng gió, khi vừa đối mặt làn sóng Covid-19 quay trở lại, vừa vướng vào chia rẽ trong nội bộ đảng.

Mỹ - Trung so kè trong cuộc gặp ở Thiên Tân

Trong khi cuộc gặp giữa thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, Bắc Kinh khởi động chiến dịch với những thông điệp chống Washington gay gắt.

Nước Mỹ trở lại những ngày âu lo về dịch bệnh

Các bệnh viện tại Mỹ bắt đầu quá tải. Ngày càng nhiều người trẻ bị bệnh nặng vì mắc Covid-19. Biến chủng Delta dường như mang thời kỳ đầy lo lắng quay trở lại nước Mỹ.

Ong Trump len tieng hinh anh

Ông Trump lên tiếng

0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng về các quyết định của công tố viên nhằm hủy bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử và vụ kiện tài liệu mật chống lại ông.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm