Đồ họa vũ khí siêu thanh HTV-2 của Mỹ. Ảnh: Washtimes |
Theo báo điện tử của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga VPK, những năm gần đây, Bắc Kinh đầu tư mạnh vào việc phát triển các loại vũ khí siêu thanh có tốc độ trên Mach 5 (6.200 km/h). Tờ báo điện tử Nga cho biết, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 4 lần thử nghiệm vũ khí mới, lần gần đây nhất diễn ra vào ngày 9/6.
Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc dẫn lời các quan chức cấp cao nước này cho biết, các cuộc thử nghiệm nằm trong kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
4 thử nghiệm của Bắc Kinh đều chưa thành công, nhưng chúng báo hiệu bước đột phá mới của Trung Quốc trong công nghệ tên lửa. Hiện nay, Bắc Kinh vẫn kém Washington trong lĩnh vực này, đặc biệt là các phương tiện bay có tốc độ siêu vượt âm.
Tiến sĩ vật lý James M. Acton, thành viên chương trình Chính sách hạt nhân thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, Mỹ, nhận định Trung Quốc có thể phát triển công nghệ vũ khí siêu thanh một cách nhanh chóng và Mỹ không thể duy trì mãi vị thế độc tôn trong lĩnh vực này.
Ông Acton cho rằng, Mỹ đang vượt xa Trung Quốc trong công nghệ mới nhưng chương trình phát triển của Bắc Kinh vẫn có thể tạo ra mối đe dọa lớn đối với Washington bởi vì đánh chặn phương tiện bay có tốc độ Mach 5 là nhiệm vụ bất khả thi.
Trong khi đó, các thành viên Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại với tốc độ phát triển vũ khí của Trung Quốc trong những năm gần đây. Thậm chí, một số nghị sĩ còn lo lắng Mỹ có thể tụt hậu trong cuộc đua công nghệ siêu thanh quốc tế.
Buck McKeon, cựu chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ, từng cảnh báo, việc cắt giảm liên tục ngân sách quốc phòng có thể khiến Washington mất dần lợi thế công nghệ so với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm từ năm 2010 với ít nhất 4 lần thành công, lần gần đây nhất cách 2 năm về trước. Dự kiến, Mỹ sẽ đưa siêu vũ khí vào sử dụng trong vòng 5 đến 10 năm tới qua đó tăng cường sức mạnh răn đe chiến lược cho Washington.