Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các cường quốc chạy đua vũ khí 'cực siêu thanh'

Mỹ, Nga, Trung Quốc đang chạy đua phát triển các loại khí tài như máy bay và tên lửa cực siêu thanh có thể đạt tốc độ hơn 6.000 km/h, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Mẫu máy bay WaveRider được gắn vào một tên lửa dưới cánh máy bay B-52 trong một chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: IB Times
Mẫu máy bay WaveRider được gắn vào một tên lửa dưới cánh máy bay B-52 trong một chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: IB Times

Theo Reuters, không quân Mỹ đang tăng cường phát triển công nghệ bay cực siêu thanh để nâng cao khả năng tấn công nhanh trên toàn cầu. Trong khi đó Nga và Trung Quốc cũng đang tăng cường phát triển chương trình vũ khí cực siêu thanh của riêng mình. Bắc Kinh và Moscow đang tăng tốc phát triển các loại tên lửa siêu thanh có thể thâm nhập hệ thống tên lửa đạn đạo phòng thủ của Mỹ.

Nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh

Washington mở màn trong cuộc chạy đua này khi vừa cho bay thử nghiệm thành công lần thứ 4 mẫu máy bay cực siêu thanh đầu tiên của Mỹ X-51 WaveRider. Trong chuyến bay thử nghiệm này, X-51 WaveRider đã bay hơn 425 km với tốc độ Mach 5 (6.126 km/h). Chiếc X-51 WaveRider được phóng đi từ dưới cánh máy bay ném bom B-52 và bay ở độ cao 70.000 feet (hơn 21.000 m).

Phần động cơ đẩy của X-51 WaveRider sử dụng nhiên liệu rắn sẽ ngay lập tức được khởi động, đẩy nó bay lên với vận tốc Mach 5 trong khoảng 30 giây. Ngay sau đó, phần tên lửa đẩy sẽ tách khỏi X-51 WaveRider, nhường chỗ cho động cơ của chiếc máy bay không người lái hoạt động.

Giới khoa học tại căn cứ Wright-Patterson ở Dayton, bang Ohio (Mỹ) tin rằng các chuyến bay siêu thanh kiểm soát được giờ đây có thể thành sự thật.

Reuters dẫn lời một quan chức thuộc không quân Mỹ cho biết nước này có thể chính thức đưa các loại máy bay và tên lửa cực siêu thanh vào hoạt động năm 2040. "Đó là một công nghệ làm thay đổi cuộc chơi" - quan chức trên cho biết.

Máy bay không người lái X-51 WaveRider là sản phẩm hợp tác giữa không quân Mỹ với các nhà thầu quân sự của nước này như DARPA, Boeing, Pratt & Whitney Rocketdyne và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Chương trình được Phòng Nghiên cứu, thí nghiệm không quân Mỹ (AFRL) trực tiếp theo dõi, giám sát.

Trang tin The Hill cho biết Lầu Năm Góc đã quyết định chi thêm 20 triệu USD cho dự án phát triển tên lửa siêu thanh tầm trung Tactical Boost Glide (TBG). Tên lửa này do Hãng Raytheon phát triển, có khả năng hoạt động ngoài tầng khí quyển và đạt tốc độ nhanh gấp 5-10 lần tốc độ âm thanh.

TBG sẽ là loại tên lửa phi hạt nhân có độ chính xác cao và rất cơ động, mang đầu đạn nổ thông thường, hoạt động hiệu quả trong phạm vi 1.500 km. Tên lửa sẽ được chế tạo khả năng tự điều chỉnh quỹ đạo bay trong trường hợp nhằm vào các mục tiêu di động.

"Loại tên lửa siêu thanh này khó bị các hệ thống phòng không đối phương đánh chặn vì có tốc độ và tầm bay cao" - tờ The Hill cho biết. Công ty Raytheon đã ký hợp đồng với Cơ quan Nghiên cứu phát triển dự án quốc phòng triển vọng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển loại tên lửa này.

Dự án phát triển vũ khí cực siêu thanh của Mỹ được khởi động xuất phát từ nhu cầu tấn công mục tiêu nhanh chóng. Kỹ thuật vũ khí hiện nay tương đối chậm. Tên lửa dẫn đường Tomahawk là dưới tốc độ âm thanh, bay với tốc độ hơn 885 km/h. Thậm chí các thế hệ máy bay siêu thanh hiện tại như loại F-22 Raptor cũng thiếu tính năng mà các chỉ huy quân sự đang cần cho những cuộc tấn công nhanh.

Nga, Trung Quốc vào cuộc

Trong khi đó, như trang tin IB Times cho biết, cả Trung Quốc và Nga cũng đang phát triển các chương trình vũ khí cực siêu thanh của riêng mình.

Tạp chí quốc phòng IHS Jane's cho biết Bắc Kinh đã phát triển tên lửa siêu thanh đầu tiên cho nước này. Mỹ đặt tên cho tên lửa của Trung Quốc này là Wu-14. Loại tên lửa này đã có bốn lần phóng thử nghiệm, lần gần nhất là đầu tháng này.

Lần thử nghiệm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước xung quanh đang leo thang. Truyền thông Mỹ cho biết loại tên lửa này có thể mang đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Theo South China Morning Post, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng quả quyết việc nghiên cứu và thử nghiệm là hoàn toàn bình thường, không nhằm vào nước nào. Tuy nhiên trang tin Washington Free Beacon, nơi đầu tiên đăng tải câu chuyện, nói các chuyên gia Mỹ quan ngại về tần suất mà phía Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh, chứng tỏ sự ưu tiên cao đối với dự án này.

IHS Jane's cho biết Nga cũng đưa tên lửa Yu-71 ra thử nghiệm hồi đầu tháng này. Mặc dù việc thử nghiệm không thành công nhưng cũng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chạy đua khí tài cực siêu thanh quốc tế.

Giới quan sát cho rằng mục đích của Moscow và Bắc Kinh trong việc phát triển các chương trình tên lửa cực siêu thanh là để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. Hệ thống này của Mỹ được trang bị để chặn tên lửa trong không gian, trong khi vũ khí cực siêu thanh có thể vượt qua được bằng cách đi xuyên bầu khí quyển với khả năng thay đổi hành trình.

10 vũ khí làm thay đổi thế giới

Máy bay chiến đấu không người lái X-47B làm thay đổi cuộc chiến trên không, trong khi giới chuyên gia lo ngại các vũ khí siêu thanh có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150629/cac-cuong-quoc-chay-dua-vu-khi-cuc-sieu-thanh/768336.html

Theo Mỹ Loan/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm