Mỹ phẩm Nhật Bản bị tẩy chay ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nhà chức trách Trung Quốc đại lục cũng như đặc khu hành chính Hong Kong đã lên tiếng phản đối việc Nhật Bản xả nước thải từ Fukushima xuống biển, bất chấp Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn, theo Bloomberg.
Tại Trung Quốc, người tiêu dùng bắt đầu tẩy chay mỹ phẩm Nhật Bản sau khi xuất hiện những cáo buộc vô căn cứ rằng các sản phẩm này không an toàn do liên quan tới nước thải từ Fukushima. Đợt tẩy chay đã khiến cổ phiếu các công ty mỹ phẩm như Shiseido bị ảnh hưởng.
Chính quyền Hong Kong hôm 4/7 tuyên bố sẽ áp đặt một số hạn chế nhập khẩu với thủy sản đánh bắt tại các vùng biển có rủi ro cao sau khi nước thải từ Fukushima được xả vào đại dương.
Tại Hàn Quốc, người dân bắt đầu tích trữ muối biển do lo ngại nguy cơ an toàn sức khỏe sau khi nước thải từ Fukushima xả ra biển. Seoul có kế hoạch tung 120.000 tấn muối biển từ kho dự trữ quốc gia ra thị trường. Bộ Nghề cá và Đại dương Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục bổ sung nguồn cung muối nếu cần thiết.
Nhiều người dân và một số chính trị gia đối lập Hàn Quốc đã tham gia biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản. Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá an toàn kế hoạch xả nước thải từ Fukushima.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi dự kiến có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc và Hàn Quốc ngay trong tháng 7 nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Seoul và Bắc Kinh với kế hoạch xả nước thải.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.