Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ nhân làng Ngọc – Viết cho phận đàn bà cay đắng

Từng là một người lính có nhiều trải nghiệm, va chạm với đời, Trần Thanh Cảnh đã viết nên những câu chuyện đầy đau đớn về đề tài nông thôn thời đổi mới đan xen bao biến cố.

Nhắc đến nông thôn sẽ có nhiều người nghĩ tới bức tranh làng quê thanh bình với cây đa, giếng nước, sân đình. Xã hội vận động và biến chuyển không ngừng vùng thôn quê cũng không ngoại lệ. Con người thay đổi, cuộc sống thay đổi, tình làng nghĩa xóm mờ nhạt. Rặng tre làng nhường chỗ thứ hoa trái khác, đó là nhà cao tầng, đường xá khang trang hơn. Văn hóa đời sống tinh thần dần đổi khác khiến những kẻ bi quan nghĩ về chốn chôn rau cắt rốn giống như cái mác để hồi hương.

Trần Thanh Cảnh là một cây viết mạnh về đời sống. Sau thành công của Kỳ nhân làng Ngọc - đoạt giải thưởng hạng mục văn xuôi 2016 của Hội nhà văn Việt Nam, ông tiếp tục kể thêm về những mảnh đời bất hạnh éo le bậc nhất xứ Kinh Bắc.

Đọc Mỹ nhân làng Ngọc là một trải nghiệm hoang hoải đến kỳ lạ khi nỗi buồn của các nhân vật bị đẩy tới mức cùng cực. Nếu như kết thúc là một sự khởi đầu mới thì dưới giọng văn của tác giả, dấu chấm hết chỉ là màn kết để bi kịch tiếp theo được bắt đầu bằng hiện thực dồn nén cô đọng khiến người đọc xót xa.

My nhan lang Ngoc anh 1
Tập truyện ngắn Mỹ nhân làng Ngọc.

Mỹ nhân làng Ngọc bao gồm nhiều truyện ngắn xung quanh đời sống sinh hoạt người dân vùng Kinh Bắc. Làng Ngọc là một ngôi làng xây dựng không cụ thể vậy nên các sự kiện, diễn biến được mở rộng sang cả một vùng. Trong tác phẩm mỗi làng quê đều mang sắc thái văn hoa riêng biệt. Lối sống, suy nghĩ của họ cũng khác xa nhau.

Nếu như làng Ngọc gợi ra không gian huê tình ngọt ngào của những làn điệu quan họ thì làng Ma lại nức tiếng với nghề làm hàng mã và chuyện hư hư thực thực đậm chất liêu trai. Ngạn ngữ cổ có câu vì lửa hung dữ nên người đời mới sợ mà cảnh giác, vì nước lặng mà khinh thường nên lắm kẻ mới dễ chết đuối. Làng quê vốn vẫn đang yên bình bỗng nhiên thay đổi đột ngột khiến người nông dân từ những con người chân chất mà sa vào thói xấu, không tự chủ được mình. 

Nhân vật chính được tác giả Trần Thanh Cảnh miêu tả rất đa dạng. Từ một kẻ tứ cố vô thân không danh phận cho đến những ông tiến sĩ đầu bạc, quyền cao vọng trọng. Dù là ai thì số phận họ là những người chịu ảnh hưởng to lớn bởi thời cuộc, nhất là thời kỳ sau đổi mới.

Tác giả có cái nhìn khác người nên dễ dàng tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ. Điển hình là khi ông bóc tách những lỗ hổng nhân cách của người nông dân. Ai dám tưởng tượng kẻ mà cả đời chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho đời lại có khi bê tha, hủ lậu, khốn nạn đến thế (trong chuyện Trăng máu).

Chuyện bên kè đá lại mô tả một bi kịch đớn đau tới quặn thắt của gia đình nông dân không thể có con. Lời ra tiếng vào đã bức tử, dồn kẻ tội nghiệp tới bước đường cùng. Các nhân vật của Trần Thanh Cảnh tưởng như chưa bao giờ được vui hay mang theo một cái kết đẹp. Họ sống chết và đối mặt với số phận như trời đất định đoạt.

Chuyện về luật nhân quả và thân phận người đàn ba là hai chủ đề được thể hiện đậm nét bậc nhất trong Mỹ nhân làng Ngọc. Lý giải vì sao tác phẩm lại mang cái tên này bởi lẽ tác giả viết hướng nhiều tới phận đàn bà. Những bóng hồng trong ngôi làng Ngọc dường như mang dáng dấp của nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du, xinh đẹp, tài giỏi một tay cáng đáng gia đình. Có lẽ cũng vì họ xinh đẹp quá, giỏi giang quá mà phải chịu kiếp hồng nhan bạc mệnh sống khắc khoải, khổ sở đến khi nhắm mắt xuôi tay. Dù vậy, bản thân tác giả vẫn dành cho người phụ nữ sự tôn trọng, xóa bỏ suy nghĩ cổ hủ tồn tại trọng nam khinh nữ bấy lâu.

Dường như ông luôn muốn cảnh báo tới người đọc phải suy nghĩ thật kỹ với những hành động mình sắp làm. Phật dạy rằng gieo ác gặt nghiệp, gieo thiện gặt lương nếu không đủ tỉnh táo chúng ta sẽ thảm thương bi đát hệt nh như số phận những kiếp người làng Ngọc, làng Ma, làng Hạ Vĩ… Cách đối nhân xử thế giữa người với người trong xã hội, trong gia đình, dù là hành động nhỏ cũng có thể sai một ly đi cả dặm, hậu quả khôn lường. 

Văn chương thời kỳ đổi mới luôn chạy theo điều bất thường để thể hiện, còn Trần Thanh Cảnh lại đi ngược với dòng chảy ấy. Ông tìm về cái đạo giữa dòng đời bất biến từ đó toán lên được cái nhân văn trong câu chữ. Làng quê bị suy đồi đến mấy nhưng tình người bao đời nay vẫn không thay đổi. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, khi một gia đình xảy ra chuyện là cả làng tán loạn chạy đi giúp đỡ, dù ma chay cưới hỏi chuẩn bị chu đáo. Hành động tuy nhỏ nhưng chan chứa nghĩa tình, sưởi ấm và giữ niềm tin cho độc giả, nhắn nhủ một điều rằng hóa ra cuộc đời này cũng chưa tới nỗi xuống cấp tồi tệ.

Viết để suy ngẫm nhưng vẫn chọc cười duyên dáng, hóm hỉnh là cái tài của tác giả. Nhờ tận dụng một tâm hồn nhạy cảm kèm theo chất lính, chất nghệ sĩ trong người nên Mỹ nhân làng Ngọc được thể hiện theo lối viết tưng tửng, phóng khoáng nhưng vẫn gợi tình, đậm chất thơ.

Ngoài dư vị để lại xung quanh chủ đề nhân sinh, để cân bằng mạch cảm xúc tác giả khéo léo cài cắm trong tác phẩm những yếu tố mới lạ, giải thích kỹ càng hơn về đời sống Kinh Bắc. Thông điệp về lối sống tốt đẹp, luôn thường trực mạnh mẽ mỗi khi câu chuyện đi tới hồi kết.

My nhan lang Ngoc anh 2
Tác giả Trần Thanh Cảnh.

Trần Thanh Cảnh sinh ra và lớn lên ở Thuận Thành Bắc Ninh, là một dược sĩ nhưng bắt đầu theo nghiệp viết khá muộn. Những tác phẩm như Kỳ nhân làng Ngọc, Mỹ nhân làng Ngọc đều mang theo những câu chuyện có thật từ chính quê hương ông. Tháng 2 vừa qua, ông xuất sắc giành giải thưởng ở hạng mục văn xuôi 2016 của Hội nhà văn Việt Nam với truyện ngắn đầu tay Kỳ nhân làng Ngọc được giới phê bình và độc giả đánh giá cao. Bên cạnh công việc chính là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực y dược, Trần Thanh Cảnh còn là một nhà văn tinh quái với cái nhìn rất lạ, rất đời với những tư tưởng nhân văn đến lạ lùng trong mỗi tác phẩm của mình.

 




My Lan

Bạn có thể quan tâm