Nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư là nhắc đến vùng sông nước miền Tây. Nữ nhà văn luôn đau đáu bên mình một nỗi sầu không tên về những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, hình ảnh xóm làng mộc mạc chân quê, hoang hoải, long đong như giữa dòng nước cuốn. Tác giả của Cánh đồng bất tận là một trong những cây bút khắc họa rất thành công đề tài người nông dân miệt vườn.
Mỗi câu chuyện đều được cô mang theo cảm xúc trải dài khắp trang giấy với giọng văn trầm buồn đã trở thành thương hiệu. Trước đó, Nguyễn Ngọc Tư xuất bản cuốn Đong tấm lòng cũng viết về đề tài này nhưng Không ai qua sông lại là một trải nghiệm với cảm xúc hoàn toàn khác lạ. Sự dữ dội tăng cao, nỗi buồn được chau chuốt, đẹp đẽ tới mức ám ảnh, day dứt ngay cả khi người đọc khép lại cuốn sách.
Tuyển tập gồm 13 truyện ngắn, một con số khá khiêm tốn so với những tác phẩm trước đây. Những câu chuyện giàu chi tiết, đầy ắp chất liệu hiện thực cuộc sống nhưng cũng phảng phất đâu đó dư vị buồn. Trong tác phẩm lần này, Nguyễn Ngọc Tư dành nhiều hơn sự ưu ái của mình cho phụ nữ. Những mảnh đời bất hạnh, phủ bóng một màu xám xịt bởi quá khứ. Họ là Trâm, là Thiếp, là Mười… những cái tên nghe lạ mà quen.
Cuốn sách Không ai qua sống. |
Mạch cảm xúc chia đều cho hai nửa cuốn sách. Một bên viết về con người sông nước, nửa kia mô tả đời sống sinh hoạt bình thường của cư dân nơi xóm nhỏ Nhơn Thành. Ở đó như một xã hội thu nhỏ, hư hư thực thực. Kẻ sống người chết song hành nhau, giằng xé đan xen giữa quá khứ và hiện tại.
Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút trẻ nhưng tác phẩm của chị luôn khiến người ta phải tranh cãi. Không ai qua sông mang theo câu chuyện không mới nhưng giọng văn thể hiện đã chắc chắn hơn, mang tới một không khí sống động về đời sống làng quê miệt vườn. Cuộc sống vừa yên bình vừa dậy sóng bởi sự đổi thay không ngừng trong xã hội.
Những người đàn bà trong văn của Nguyễn Ngọc Tư chưa một lần được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Người đọc dễ nhận thấy cái nhìn bi quan của tác giả. Nhưng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai, những người phụ nữ đó vẫn yêu thương dù âm thầm. Thứ văn phong mượt mà, gieo rắc mùi vị phai tàn của chuyện kể đã qua. Từ đó nêu bật lên đức tính nổi bật không đâu có của người phụ nữ Việt Nam đi kèm dòng suy tư kỳ lạ. Biến cố đi ngang qua đời họ và để lại vết thương lòng không bao giờ lành lại.
Độc giả hẳn sẽ thương xót biết bao cho số phận con Tím trong truyện Nút áo, người đàn bà chấp nhận đánh đổi tất cả, bám trụ tại nơi xóm nhỏ để vạch mặt kẻ thủ ác đã hại đời con gái. Cũng có thể là tiếng kêu gọi, phản kháng yếu ớt của các chị em trước nạn bạo hành trong vô vọng ở mẩu truyện Không ai qua sông. Với tác giả người phụ nữ nơi đây luôn gắn với một chuyện buồn, nỗi niềm họ không thể nói ra, giận mà vẫn thương cứ thế dai dẳng mãi.
Chuyện hôm qua, chuyện ngày nay, những dòng đời dài theo năm tháng. Nguyễn Ngọc Tư luôn biết cách đem câu chuyện của mình vượt khỏi lũy tre làng. Dùng hình ảnh nông thôn để phê phán hiện thực cuộc sống đầy duyên dáng, châm chọc là cái tài của nhà văn này.
Chị thẳng thắn đả kích thứ “sượng sùng diễn một ân tình dàn dượng theo lý lẽ nhà báo” mà bỏ qua tình cảm thực sự (truyện ngắn Thầm) hay miêu tả một cái ao đã cạn khô nước bởi “từ khi người ta dọn sạch đám rừng cạnh ao để xây dựng hoang phí tượng đài đồ xộ” đụng mạch nước ngầm. Tác giả xót xa, bàng hoàng khi nhận ra được nhiều mặt trái của xã hội. Người nông dân chân chất, thật thà cũng bị cuốn theo những vòng xoay đó mà tha hóa, hại nhau, kẻ xấu người tốt mong manh như sợi chỉ nhỏ.
Đất là tác phẩm đặc sắc nhất của Không ai qua sông. Một câu chuyện dài, chắp nối liên tiếp bởi nhiều nhân vật. Nó làm người đọc nhớ đến bóng dáng Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, chỉ khác đây là phiên bản ngắn gọn, cô đọng hơn với không gian vùng sông nước. Nhịp sống con người hối hả. Họ trở nên hung tợn nhiều mưu đồ hơn. Đất không chỉ là tài sản mà còn là tinh thần của nhiều thế hệ.
Truyện có lúc đớn đau, có lúc khát khao, nhưng tình yêu đất và người say đắm như dòng sông trước giống tố khi hiền hòa. Nhưng bối cảnh hiện tại nhiều điều đã thay đổi, mưu cầu mưu sinh đẩy họ vào quá trình biến chuyển lớn lao, bất chấp cả luân thường đạo lý. Quê hương giờ chỉ còn lại cái mác danh nghĩa hư thực không rõ ràng. Truyện kết thúc để lại những khoảng lặng lớn, sâu thăm thẳm như vực không đáy.
Nguyễn Ngọc Tư chinh phục độc giả bằng những cảm xúc thực không khiên cưỡng hay gượng ép. Tập truyện ngắn với tầm vóc vừa đủ vẫn mang được dư âm kéo theo nỗi trầm buồn khó tả về thân phận con người.