Trong bài phát biểu tại cuộc họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sáng 28/9 (tối 28/9 giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập tới nhiều vấn đề nóng hiện nay của toàn cầu gồm vấn đề Syria, khủng hoảng Ukraine, chủ nghĩa khủng bố, nạn di cư hay tình hình Biển Đông.
Bài phát biểu của hai lãnh đạo Nga - Mỹ cho thấy rõ quan điểm bất đồng của họ về vấn đề Syria.
Lãnh đạo Mỹ dành nhiều thời lượng trong bài phát biểu để nói về vấn đề Syria. Ông gọi Tổng thống Bashar al-Assad của Syria là "nhà độc tài". "Không nơi nào mà các cam kết về trật tự thế giới của chúng ta trải qua thử thách nghiêm trọng như ở Syria. Khi một tên độc tài sát hại hàng nghìn người dân, đó không còn là vấn đề chỉ của một nước", ông nói.
Tổng thống Putin tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, ông Putin nhận định: "Không ai ngoại trừ Tổng thống Assad và lực lượng dân quân của ông đang thực sự chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trên lãnh thổ Syria”, Putin khẳng định.
Theo lãnh đạo Mỹ, cần phải có một quá trình chuyển đổi từ chính quyền Tổng thống Assad sang một nhà lãnh đạo mới và Mỹ sẵn sàng làm việc với các quốc gia khác vì vấn đề Syria, kể cả hợp tác với Nga và Iran.
Đề cập tới vấn đề di cư, Obama cho hay, Washington đang đề ra những biện pháp mới để giúp những người tị nạn Syria tái định cư ở Mỹ. "Chúng tôi, đất nước có phần lớn người dân là di cư, hiểu rõ những nỗi khổ mà các gia đình từ Trung Đông đang trải qua", ông nói.
Tổng thống Putin nói các trại tị nạn sẽ không còn nếu vấn đề Syria được giải quyết và các lực lượng chống IS cần phối hợp để tiêu diệt tổ chức này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. |
Bài phát biểu của ông Tập tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tập trung vào sự bình đẳng của các quốc gia. Chủ tịch Trung Quốc phát biểu rằng các cường quốc cần tuân thủ những nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, các nước lớn phải đối xử công bằng với nước nhỏ. Ông đã nhắc tới cụm từ “hợp tác cùng thắng” nhiều lần trong bài phát biểu.
Đề cập tới tình hình Biển Đông liên quan tới Trung Quốc, Tổng thống Obama nói, Mỹ không có chủ quyền trên vùng biển này nhưng vẫn có các quyền lợi thương mại và an ninh. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ bảo vệ các quyền lợi này, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh và các nước láng giềng liên quan cần hợp tác đưa ra giải pháp tuân thủ luật pháp quốc tế.
Kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng được đánh giá là lớn chưa từng có khi 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc thảo luận về nhiều vấn đề phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt.
-
9h sáng 28/9 (20h giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Pháp François Hollande sẽ lần lượt bước lên bục phát biểu tại kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trong phiên họp, 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về các vấn đề toàn cầu. Kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng được đánh giá là lớn chưa từng có bởi tình hình thế giới phức tạp và tầm quan trọng của các vấn đề được đưa ra thảo luận.
-
Theo NBCNews, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại cuộc họp sẽ bao gồm hàng loạt điểm nóng trên thế giới, từ mối quan hệ căng thẳng Nga – Mỹ tới tình hình Ukraine và cuộc xung đột tại Syria cùng sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
-
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama sẽ có cuộc gặp bên lề cuộc họp. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014 khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng và sự hiện diện quân sự của Moscow gần thành phố cảng Latakia của Syria những ngày gần đây.
-
Theo nhận định của AP, tâm điểm của cuộc họp hôm nay sẽ là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là lần đầu tiên ông Putin phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Thời điểm ông bay tới New York cũng rất quan trọng bởi Moscow đóng vai trò rất lớn trong việc giải quyết tình trạng bất ổn chính trị Ukraine và nội chiến Syria.
-
Sau khi đại biểu của 193 nước thành viên ổn định chỗ ngồi, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon phát biểu khai mạc cuộc họp.
-
Sau khi đại biểu của 193 nước thành viên ổn định chỗ ngồi, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon phát biểu khai mạc cuộc họp.
-
Ông Ban Ki Moon mở đầu bài phát biểu bằng việc ca ngợi các mục tiêu phát triển bền vững mới tới năm 2030 mà các lãnh đạo thế giới đã thống nhất tại hội nghị phát triển diễn ra trong 3 ngày qua tại New York.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước tăng mức đầu tư cho chống biến đổi khí hậu và giảm bớt tiền cho hoạt động quân sự.
-
"Kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ (UNGA) đã khai mạc với những thành tựu đáng kể, khi chúng ta thông qua chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 và 17 mục tiêu toàn cầu", ông Ban Ki Moon nói.
Tổng thư ký LHQ cho biết, để đánh dấu kỳ họp lần 70, các lãnh đạo phải tuân thỷ Gueebs chương LHQ và lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Ông Ban Ki Moon cũng đề cập đến những nỗ lực đáng kể đang diễn ra nhằm làm giảm khí thải nhà kính.
"Chúng ta đang đối mặt với sự lựa chọn, hoặc tiếp tục những tham vọng (tăng trưởng), hoặc chấp nhân rủi ro nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 2 độ C vốn là ngưỡng mà các nhà khoa học cảnh báo không thể vượt qua".
Ông Ban cho rằng "hệ thống nhân đạo toàn cầu đang gặp trục trặc. Chúng ta không tiếp nhận đủ nguồn vốn để giúp đỡ các sinh mạng đang rất cần hỗ trợ. Người dân cần hỗ trợ khẩn cấp, nhưng trên hết cả là những giải pháp lâu dài".
-
Tổng thư ký LHQ cũng thúc giục các nước châu Âu bám sát những chính sách về người tị nạn, hỗ trợ giúp đỡ các đối tượng di cư và đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay.
Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an và những cường quốc trong khu vực sớm tìm cách để kết thúc nội chiến ở Syria. Đối với tình hình xung đột ở Yemen, ông khẳng định "không thể áp dụng biện pháp quân sự để xử lý".
-
Bình luận về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm cường quốc phương Tây, ông Ban Ki Moon cho rằng "nỗ lực đối thoại và sự kiên trì sử dụng biện pháp ngoại giao" đã có tác dụng.
-
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng. Ảnh: UN Photo
-
Người phát biểu tiếp sau Tổng thư ký Ban Ki Moon là Chủ tịch Đại hội đồng Mogens Lykketoft. Ông cho rằng "quyền bình đẳng và cơ hội cho phụ nữ và các bé gái là những điều kiện tiền đề quan trọng cho tương lai bền vững ở bất kỳ đâu".
-
Ông Lykketoft nói, phát triển bền vững đến năm 2030 là một quyết định dấu ấn để đạt được các mục tiêu toàn cầu. "Chúng ta đang đối mặt với những nhiệm vụ nặng nề để biến tầm nhìn thành hành động".
"Những hoài bão sẽ chỉ đạt được trong một thế giới hòa bình và an ninh, nhân quyền được tôn trọng; chứ không phải ở thế giới mà chiến tranh và sự đầu tư vào vũ trang đã tiêu tốn cũng như tàn phá nguồn lực to lớn; không phải ở thế giới mà nghèo đói, sự bất bình đẳng và khả năng quản trị yếu kéo đã gây ra những làn sóng tị nạn ngày càng nghiêm trọng", ông Lykketoft nói.
-
Ông Lykketoft phát biểu rằng phát triển bền vững đến năm 2030 là một quyết định dấu ấn để đạt được các mục tiêu toàn cầu. "Chúng ta đang đối mặt với những nhiệm vụ nặng nề để biến tầm nhìn thành hành động".
"Những hoài bão sẽ chỉ đạt được trong một thế giới hòa bình và an ninh, nhân quyền được tôn trọng; chứ không phải ở thế giới mà sự chiến tranh và đầu tư vào vũ trang đã tiêu tốn cũng như tàn phá nguồn lực to lớn; không phải ở thế giới mà nghèo đói, sự bất bình đẳng và khả năng quản trị yếu kéo đã gây ra những làn sóng tị nạn ngày càng nghiêm trọng", ông Lykketoft nói.
-
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nêu nguyên tắc cơ bản là bài phát biểu không quá 15 phút trước khi Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, lên phát biểu. Theo truyền thống, kể từ kỳ họp thứ 10 của Đại hội đồng năm 1955, đại diện Brazil sẽ phát biểu đầu tiên.
-
Quang cảnh phiên họp Đại hội đồng ngày 28/9. Ảnh: UN Photo
-
Nữ tổng thống Brazil mở đầu bài phát biểu bằng việc đề cập tới cuộc chiến tại Syria và khủng hoảng di cư. Brazil là đất nước của những người di cư, gồm những người châu Âu, Arab cũng như châu Á.
Theo bà, sự thất bại của Liên Hiệp Quốc trong việc đảm bảo an ninh cho người dân Syria được thể hiện rõ qua hình ảnh bé trai Syria Aylan Kurdi chết đuối tại bờ biển Hy Lạp. Bà kêu gọi LHQ hành động hơn nữa nhằm ngăn chặn những số phận khổ đau như vậy.
-
Trong bài phát biểu, Tổng thống Brazil chỉ rõ những "tội ác man rợ" của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng chính là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tị nạn hiện nay".
"Sự căm phẫn sâu sắc mà người dân dành cho em bé Syria tử nạn" cần buộc các nước phải đồng lòng hành động.
-
Tổng thống Brazil kết thúc bài phát biểu với thời gian dài hơn 7 phút so với quy định là 15 phút. Người phát biểu tiếp theo là Tổng thống Mỹ Barack Obama.
-
Tổng thống Mỹ cho rằng, qua 70 năm kể từ khi Liên Hợp Quốc thành lập, khoảng thời gian này đã phản ánh chính xác những gì Liên Hợp Quốc đạt được. "Liên Hợp Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ nền dân chủ, xây dựng một trận tự quốc tế ghi nhận phẩm giá và sự công bằng của mọi tầng lớp nhân dân", ông nói.
-
"Chúng ta tề tựu ngày hôm nay để biết rằng, cuộc hành trình vì tiến bộ nhân loại vẫn còn rất xa để đến đích", Tổng thống Mỹ nói. Ông nhắc lại rằng "Mỹ đã hợp tác với rất nhiều quốc gia là thành viên của LHQ để ngăn chặn một Thế chiến 3".
-
Tổng thống Obama hoan nghênh "những nguyên tắc quốc tế" đã ngăn chặn các nước nước "áp đặt ý chí lên những quốc gia nhỏ".
-
"Tôi đứng đây phát biểu ngày hôm nay với niềm tin cốt lõi rằng, chúng ta, những đại diện cho các nước trên thế giới, không thể quay trở lại thời xung đột và cưỡng bách thống trị. Thay vào đó, chúng ta cần phải tiến tới hòa bình", Tổng thống Mỹ Obama khẳng định.
-
Ông bác bỏ quan điểm cho rằng cách duy nhất để đánh bại chủ nghĩa khủng bố là nước lớn khẳng định mình theo những cách trái với luật pháp quốc tế.
-
Ông chủ Nhà Trắng chia sẻ, ông rất quan tâm tới những mối đe dọa quốc gia mà các nhân viên trình lên mỗi sáng. "Tôi là tư lệnh nền quân đội mạnh nhất thế giới. Tôi sẽ không ngần ngại khi phải bảo vệ đất nước hay đồng minh của chúng tôi".
Tuy nhiên, ông cho rằng các nước "không thể quay lại thế giới đầy rẫy xung đột như xưa". Theo ông Obama, "không quốc gia nào trong LHQ có thể đơn độc chống lại mối đe dọa khủng bố hoặc nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Dù nền quân đội, nền kinh tế của chúng tôi vững mạnh tới đâu, Mỹ cũng không thể tự mình giải quyết những vấn đề của thế giới".
-
193 nguyên thủ và lãnh đạo các nước thành viên Liên Hợp Quốc lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Mỹ. Ảnh: UN Photo
-
Về tình hình ở Ukraine, nhà lãnh đạo Mỹ lặp lại quan điểm của Washington: "Chúng tôi không thể làm ngơ khi chủ quyền một quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng". Tuy nhiên, ông nói những biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga không phải nhằm tạo ra một Chiến tranh Lạnh mới.
Ông cũng nói rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào về vấn đề Syria, kể cả hợp tác với Nga và Iran.
-
Nói về chính sách mang tính bước ngoặt với Cuba, ông Obama cho biết: "Trong 50 năm qua, nước Mỹ đã theo đuổi một chính sách Cuba mà không thể giúp cải thiện cuộc sống của người dân nước này. Do vậy, chúng tôi đã thay đổi".
-
Tổng thống Obama nói, Mỹ không có chủ quyền trên Biển Đông nhưng vẫn có các quyền lợi thương mại và an ninh. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ bảo vệ các quyền lợi này, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng liên quan cần hợp tác đưa ra giải pháp tuân thủ luật pháp quốc tế.
-
Tổng thống Mỹ dành nhiều thời lượng trong bài phát biểu để nói về vấn đề Syria. Ông gọi Tổng thống Bashar al-Assad của Syria là "nhà độc tài".
"Không nơi nào mà các cam kết về trật tự thế giới của chúng ta trải qua thử thách nghiêm trọng như ở Syria. Khi một lãnh đạo độc tài sát hại hàng nghìn người dân của y, đó không còn là vấn đề chỉ của một nước".
Ông chủ Nhà Trắng cho biết, Washington đang đề ra những biện pháp mới để giúp những người tị nạn Syria tái định cư ở Mỹ. "Chúng tôi, đất nước có phần lớn người dân là di cư, hiểu rõ những nỗi khổ mà các gia đình từ Trung Đông đang trải qua".
-
Người đứng đầu nước Mỹ cũng nói rằng các quốc gia trong Liên Hợp Quốc cần hợp tác với nhau để chống lại sự đe dọa của khủng bố và khủng hoảng kinh tế lan rộng.
-
Gần cuối bài phát biểu, ông Obama lấy ví dụ về thành phố New York như điển hình về tình trạng di cư và hội nhập có thể mang lại những giá trị tiến bộ cho xã hội, nhiều tôn giáo có thể chung sống hài hòa.
Ông nhấn mạnh, người Syria đã đánh đổi tất cả mọi thứ "để tìm nơi trú ẩn ở châu Âu. Tổng thống Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo nỗ lực để xây dựng tương lai tươi sáng cho trẻ em.
-
Bài phát biểu của ông Obama vượt thời gian quy định là 15 phút. Tuy nhiên, nhiều quan khách đã vỗ tay hưởng ứng các ý phát biểu quan trọng của Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP
-
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vừa hoàn thành bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Sau bài phát biểu của đại diện Ba Lan là bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
-
Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hòa bình, phát triển, sự công bằng, công lý, dân chủ, tự do là những giá trị chung của nhân loại.
Ông Tập đề cập đến giai đoạn Trung Quốc chiến đấu trong Thế chiến 2, việc nước này chiến thắng phát xít Nhật nhưng đổi lại là hàng triệu người dân Trung Quốc đã hy sinh. Ông kêu gọi cộng đồng thế giới cần nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình cho thế hệ tương lai.
-
"Thế giới cần rút ra bài học từ lịch sử để tránh lặp lại những thảm họa trong quá khứ. Tốc độ phát triển ngày càng nhanh và đi đến thế giới đa cực là một xu hướng hiển nhiên", ông Tập nói. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tin vào quan điểm các bên cùng có lợi trong quan hệ quốc tế.
-
Chủ tịch Trung Quốc phát biểu rằng các cường quốc cần tuân thủ những nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, các nước lớn phải đối xử công bằng với nước nhỏ.
"'Luật rừng' không phải là phương tiện để áp dụng trong quan hệ quốc tế", ông Tập Cận Bình nói.
-
Bài phát biểu của ông Tập tập trung vào sự bình đẳng của các quốc gia. Theo lãnh đạo Trung Quốc, kẻ mạnh không nên cố gắng và thống trị kẻ yếu. Ông đã nhắc tới cụm từ “hợp tác cùng thắng” nhiều lần trong bài phát biểu.
-
Ông Tập nhấn mạnh, tương lai của thế giới do chính các nước định hình. Quá trình phát triển phải diễn ra đồng bộ và bền vững. "Chúng ta phải quan tâm bảo vệ tự nhiên, không đặt lợi ích cá nhân lên trên nó". -
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ không theo đuổi chủ nghĩa bá quyền hay tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng.
"Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền hoặc tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng", ông nói.
Ông cũng thông báo thành lập Quỹ Hòa bình và Phát triển để thúc đẩy những mục tiêu của Đại hội đồng LHQ. Kinh phí ban đầu khoảng 1 tỷ USD.
-
Ông Tập nhấn mạnh, Trung Quốc muốn hỗ trợ các nước trong quá trình phát triển, cam kết "tuân thủ trật tự và hệ thống quốc tế đã vạch ra theo nguyên tắc và mục đích của Hiến chương LHQ".
Vị nguyên thủ Trung Quốc cũng cho biết, nước này sẽ tham gia hệ thống sẵn sàng bảo vệ hòa bình mới thiết lập của LHQ "với lực lượng thường trực đến 8.000 binh sĩ", hỗ trợ Liên minh châu Phi 100 triệu USD để đầu tư cho lực lượng phản ứng khẩn cấp của châu lục này.
-
Chủ tịch Trung Quốc kết thúc bài phát biểu. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tới phiên họp của Đại hội đồng. Ông Putin sẽ phát biểu ngay sau đây, tiếp theo Quốc vương Abdullah II của Jordan. Ảnh: Margaret Besheer Twitter
-
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu phát biểu tại Liên Hợp Quốc sau 10 năm.
-
"Dịp kỷ niệm 70 năm của Liên Hợp Quốc là cơ hội để ôn lại lịch sử và hướng tới tương lai của tổ chức này. Năm 1945, sau khi các nước đồng minh đánh bại phát xít, họ đã cùng nhau xây dựng những nguyên tắc cơ bản về trật tự quốc tế tại Yalta", Tổng thống Putin mở đầu bài phát biểu.
-
"Hội nghị Yalta và việc thành lập Liên Hợp Quốc đã diễn ra sau khi đánh đổi hàng triệu tính mạng và hai cuộc thế chiến", ông Putin nói. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, thế giới đang thay đổi và Liên Hợp Quốc cũng phải tuân thủ với sự biến chuyển tự nhiên này.
-
Tổng thống Putin cho rằng "những bất đồng luôn diễn ra ở Liên Hợp Quốc trong 70 năm qua. Sứ mệnh của cơ quan này chưa bao giờ là sự nhất trí, mà là đạt được thỏa hiệp". Ông khẳng định: "Nga sẵn sàng hợp tác với các nước trên cơ sở đồng thuận".
-
Ông chủ Điện Kremlin cho rằng "một quyền lực thống trị trung tâm đã xuất hiện" sau Chiến tranh Lạnh và không quan tâm đến Liên Hợp Quốc, ngầm ám chỉ nước Mỹ.
"Mọi nỗ lực nhằm gây bất ổn với tính chính thống của Liên Hợp Quốc đều rất nguy hiểm. Chúng ta không thể đùa giỡn với luật pháp quốc tế. Mọi điều khoản đều rất rõ ràng và dễ hiểu".
-
Theo lãnh đạo Nga, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) huấn luyện tân binh từ nhiều quốc gia, gồm cả châu Âu và Nga. Ông nói rằng Moscow liên tục đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và họ đang cung cấp thiết bị quân sự cho chính phủ Syria để chống IS.
"Chúng ta phải thừa nhận rằng không ai ngoại trừ Tổng thống Bassah al-Assad và lực lượng dân quân của ông đang thực sự chiến đấu chống IS trên lãnh thổ Syria”, Putin khẳng định.
-
Theo Putin, Nga sẽ sớm triệu tập một cuộc họp các bộ trưởng để phân tích các mối đe dọa trong khu vực Trung Đông. Ông nói thế giới cần sự phối hợp giữa các lực lượng chống IS dựa trên các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. Nếu điều này đạt được, các trại tị nạn sẽ không còn tồn tại. “Lượng người di cư khổng lồ như hiện nay và bi kịch của họ là bài học khắc nghiệt”đối với tất cả chúng ta, bao gồm cả châu Âu”.
-
Tổng thống Putin cho rằng, phiến quân Nhà nước Hồi giáo manh nha xuất hiện và tập trung lực lượng từ sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003. "Tổ chức này đang tích cực mở rộng qua các khu vực khác. Tình hình hiện tại vô cùng nguy hiểm".
-
Về tình hình Ukraine, ông Putin cho rằng các nước cần tuân thủ những thỏa thuận đã đạt được ở thủ đô Minsk, Belarus, để giúp lặp lại hòa bình ở Ukraine đang chìm trong nội chiến.
Tổng thống Putin cũng chỉ trích những cấm vận đối với Nga và "sự ích kỷ kinh tế ngày càng tăng". Ông bày tỏ niềm tin vào vai trò của Liên Hợp Quốc để giúp tránh một cuộc đối đầu toàn cầu.
"Tôi tin rằng, bằng việc hợp tác với nhau, chúng ta sẽ giúp thế giới ổn định và an toàn hơn".
-
Tổng thống Nga phát biểu tại phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters
-
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye là lãnh đạo tiếp theo có bài phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng. Sau đó, đại diện các nước Iran, Pháp, Qatar, Mozambique... lần lượt nêu quan điểm của quốc gia về tình hình thế giới. Kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng được đánh giá là lớn chưa từng có khi 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc thảo luận về nhiều vấn đề phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt.