F-15 Eagle, máy bay chiến đấu đa nhiệm chủ lực của Không quân Mỹ được đưa vào sử dụng từ những năm 1980 và đã góp phần tạo nên “sức mạnh không đối thủ” cho Không quân nước này. Tuy nhiên, với những tiến bộ về công nghệ gần đây, một số nước trên thế giới chế tạo thành công nhiều máy bay chiến đấu hiện đại có năng lực tác chiến ngang ngửa so với F-15.
Điển hình là tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc, những tiến bộ công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc đang khiến ưu thế của Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng.
Báo cáo có đoạn, những năm 1980, tiêm kích F-15 hoàn toàn vượt trội so với những máy bay chiến đấu lúc đó của Trung Quốc. Tiêm kích J-10 được Trung Quốc chế tạo và đưa vào sử dụng vào đầu những năm 2000. Ở thời điểm đó, năng lực tác chiến của J-10 kém xa so với F-15.
Tuy nhiên, những chiến đấu cơ J-10 được chế tạo gần đây, năng lực tác chiến đã thu hẹp đáng kể, thậm chí tương đương với F-15. Nếu có cuộc chạm trán trên không giữa hai chiến đấu cơ này, cơ hội chiến thắng của F-15 không còn rõ ràng như trước.
Tiêm kích F-15 (trên) đang bị J-10 (dưới) thu hẹp đáng kể năng lực tác chiến. Ảnh: USAF/China Defence. |
Tạp chí National Interest cho biết Không quân Mỹ đang phối hợp với nhà sản xuất Boeing để nâng cấp F-15 với các công nghệ mới, nhằm đảm bảo ưu thế trước chiến đấu cơ của đối phương. Tập đoàn Boeing đã đạt được thỏa thuận trị giá 478 triệu USD để nghiên cứu công nghệ mới nhằm nâng cao khả năng sống sót cho F-15 trên chiến trường.
Mike Gibbons, Phó chủ tịch chương trình F-15 của Boeing nói với Scout Warrior trong một cuộc phỏng vấn: “Công nghệ này cho phép F-15 xác định mối đe dọa, chủ động truy tìm thông qua kỹ thuật lẫn tránh, đánh lừa hoặc gây nhầm lẫn cho đối phương”.
Ngoài ra, F-15 sẽ được nâng cấp với radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) vào đầu năm 2021. Nâng cấp khả năng mang vũ khí từ 8 lên 16 quả bom, tên lửa các loại. Nâng cấp phần mềm hệ thống theo kiến trúc mở để sẵn sàng tiếp nhận vũ khí mới khi sẵn có.
Tích hợp thêm hệ thống điều khiển bay “fly-by-wire” tự động giúp máy bay cơ động và linh hoạt hơn. Nâng cấp mũ bay tích hợp kỹ thuật số cùng công nghệ làm giảm mặt cắt radar cho phép máy bay hoạt động bí mật hơn.
Không quân Mỹ đang vận hành khoảng 400 chiến đấu cơ F-15 phiên bản C, D. Không quân Mỹ có kế hoạch sử dụng máy bay chiến đấu F-15 đến năm 2040, do đó, việc nâng cấp hệ thống điện tử của máy bay là cần thiết để đảm bảo ưu thế trên không của Mỹ.
Gibbons cho biết thêm, chương trình nâng cấp toàn diện sẽ giúp F-15 duy trì lợi thế trước chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc, hỗ trợ đắc lực cho tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 hoàn thành nhiệm vụ.