Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ muốn dựa vào một công ty để kiềm chế tham vọng bán dẫn Trung Quốc

ASML, công ty cung cấp hệ thống sản xuất chip tiên tiến nhất hiện nay được đề xuất dừng bán thiết bị cho Trung Quốc để kiềm chế tham vọng của đất nước tỷ dân.

Những quan chức Mỹ đang vận động chính phủ Hà Lan ngăn chặn ASML bán máy quang khắc cực tím sâu (DUV) cho các hãng chip của Trung Quốc. Đây là hệ thống quan trọng để tạo ra chip trong thiết bị công nghệ như xe hơi, điện thoại, máy tính và robot.

Theo Bloomberg, đề xuất được đưa ra trong chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Don Graves đến Hà Lan và Bỉ hồi cuối tháng 5 - đầu tháng 6 để thảo luận về chuỗi cung ứng. Ông Graves cũng đến trụ sở ASML tại Veldhoven (Hà Lan), gặp CEO Peter Wennink.

Nguồn tin nội bộ cho biết chính phủ Hà Lan chưa chấp nhận đề xuất của Mỹ do có thể gây tổn hại mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Từ năm 2018, Washington đã yêu cầu hàng loạt công ty bán dẫn ngừng bán hệ thống công nghệ cao cho Trung Quốc, ngăn cản đất nước tỷ dân trở thành nền sản xuất chip đứng đầu thế giới.

My de xuat ASML ngung ban thiet bi cho Trung Quoc anh 1

Hệ thống quang khắc dùng để sản xuất chip của ASML. Ảnh: New York Times.

"Những cuộc thảo luận này không hề mới. Không có quyết định được đưa ra và chúng tôi không muốn suy đoán, bình luận về tin đồn", phát ngôn viên của ASML cho biết. Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Ngoại giao Hà Lan cũng từ chối bình luận về thông tin.

Nếu Hà Lan chấp nhận đề xuất của Mỹ, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ hứng đòn giáng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty chip lớn như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) hay Hua Hong Semiconductor Ltd.

ASML là công ty cung cấp hệ thống quang khắc hàng đầu thế giới, giúp các hãng bán dẫn sản xuất chip. Từ năm 2018, ASML đã bị Washington gây áp lực, không thể bán hệ thống quang khắc siêu cực tím (EUV) cho Trung Quốc. Đây là công nghệ hiện đại nhất, chỉ được ASML bán cho 5 hãng chip với giá 164 triệu USD/hệ thống.

Trong khi đó, hệ thống dùng công nghệ cũ hơn (DUV) vẫn được bán cho các hãng chip Trung Quốc. Theo Bloomberg, Washington muốn ASML ngừng bán loại DUV tiên tiến nhất, gọi là quang khắc chìm (immersion lithography) hoặc ngâm argon florua (ArFi). Theo Founder Securities, ASML bán được 81 hệ thống ArFi vào năm 2021, chiếm thị phần 95%.

Vào tháng 6, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã phản đối việc xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 3 của nước này sau Đức và Bỉ.

Đầu năm nay, CEO Wennink cho biết ASML không chấp nhận đề xuất cấm bán hệ thống quang khắc DUV cho Trung Quốc bởi đó là công nghệ "đã trưởng thành". Các nhà máy chip tại Trung Quốc, do công ty trong nước hoặc nước ngoài vận hành chiếm 14,7% tổng doanh thu của ASML trong năm 2021.

My de xuat ASML ngung ban thiet bi cho Trung Quoc anh 2

Trụ sở ASML tại Veldhoven (Hà Lan). Ảnh: ASML.

Động thái của Washington diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden cân nhắc nới lỏng một số hạn chế về thuế với hàng tiêu dùng của Trung Quốc, được đưa ra từ thời cựu Tổng thống Trump. Dù các lệnh trừng phạt có thể nới lỏng, chính quyền ông Biden vẫn tiếp nối mục tiêu của người tiền nhiệm nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ cao của Trung Quốc.

Các công ty cung cấp hệ thống sản xuất chip lớn của Mỹ như Applied Materials và Lam Research đã bị cấm bán một số hệ thống công nghệ cao cho SMIC vì lo ngại an ninh quốc gia.

"Hệ thống quang khắc là thiết bị khó thay thế nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Nếu không có hệ thống quang khắc DUV từ nước ngoài, sự phát triển ngành công nghiệp chip của Trung Quốc sẽ bị đình trệ", Johnson Wang, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết.

Một công ty Nhật khiến Apple, Samsung đau đầu

Nguyên liệu thô cho dây chuyền sản xuất chip bán dẫn đột ngột tăng cao, có thể kéo giá thành linh kiện dành cho iPhone và những smartphone khác lên theo.

Nỗ lực thất bại của Apple

Dự án phát triển modem 5G cho iPhone của Apple được cho đã thất bại, khiến hãng tiếp tục phụ thuộc vào bên thứ ba để cung cấp chip LTE cho iPhone.

Thương vụ lịch sử ngành chip trị giá 61 tỷ USD

Broadcom đang trong quá trình mua lại công ty điện toán đám mây VMware thông qua một thỏa thuận trị giá 61 tỷ USD.

Phúc Thịnh

Theo Bloomberg

Bạn có thể quan tâm