Reuters cho biết, 34 cá nhân bị trừng phạt vì từng giúp đỡ một số người, đơn vị né tránh các cấm vận trước đó của Mỹ. Theo AP, những cá nhân này bao gồm một số người đáng chú ý như Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg vốn có quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin.
6 cá nhân là những phần tử ly khai người Ukraine bị trừng phạt vì "đe dọa đến an ninh và ổn định hòa bình ở Ukraine". Hai cựu quan quan chức Kiev dưới thời tổng thống Viktor Yanukovich cùng 12 tổ chức, bao gồm 3 ngân hàng Nga, hoạt động ở Crimea cũng nằm trong danh sách trừng phạt mới.
"Những biện pháp này nhằm củng cố cam kết của Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, qua việc duy trì trừng phạt đối với Nga", Reuters trích thông báo của Bộ Tài chính Mỹ.
Xe tăng của quân đội Ukraine rút khỏi vùng Luhanks ngày 5/10. Ảnh: Reuters |
Bộ này nêu rõ, Mỹ sẽ không ngừng trừng phạt đến khi Nga thực hiện đầy đủ những cam kết của nước này theo thỏa thuận hòa bình Minsk, "bao gồm trao trả quyền kiểm soát biên giới của Ukraine với Nga".
Theo RT, Moscow tuyên bố sẽ xem xét những biện pháp trả đũa việc Mỹ mở rộng trừng phạt. "Những cấm vận mới là sự tiếp nối của lập trường không thân thiện đối với Nga, tiếp tục gây tác động xấu đến quan hệ song phương. Phía Nga sẽ nghiên cứu những biện pháp này, sau đó đề xuất hình thức đáp trả thích hợp", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Bộ Ngoại giao Nga nhận định, nỗ lực thao túng Nga của Mỹ bằng cấm vận là không hiệu quả. "Điều này giống như tự bắn vào chân mình, trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ hiện bị ngưng trệ do các hành động của Washington", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói.
Trước đó, vào ngày 21/12, Liên minh châu Âu cũng tuyên bố mở rộng cấm vận kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, bao gồm hạn chế cho vay đối với những ngân hàng nhà nước lớn của Nga, cùng với các công ty quốc phòng và dầu mỏ.