Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ mở cửa lại kinh tế và câu hỏi về 3 trụ cột an toàn

Trong khi TT Donald Trump kêu gọi mở cửa lại kinh tế, nhiều người lo việc này có thể là “thất bại lịch sử” lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này khi nước Mỹ vẫn đang trầy trật chống dịch.

Vào tối 16/4, tại phòng họp báo của Nhà Trắng Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ông đang lãnh đạo nước Mỹ trong một “trận chiến lịch sử chống lại kẻ thù vô hình”, ám chỉ đại dịch Covid-19, và khẳng định trận chiến này cần huy động “tổng lực toàn quốc gia với quy mô lớn nhất” kể từ Chiến tranh thế giới lần II.

Ngay sau đó, tổng thống Mỹ cho biết nước này đã sẵn sàng để bước sang giai đoạn tiếp theo. Ông cho rằng nền kinh tế đến lúc để “tái khởi động. Nước Mỹ cần được mở cửa hoạt động, và người dân Mỹ cũng muốn điều này”.

Đề xuất khoa học hay màn thể hiện quyền lực?

TT Trump mo cua lai nen kinh te My la mot ‘tham hoa’ anh 1

Tổng thống Donald Trump nôn nóng mở cửa trở lại hoạt động kinh tế sau khi những tổn thất nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Getty.

Ông chủ Nhà Trắng cam kết đưa ra những hướng dẫn nới lỏng cách ly dựa trên “cơ sở khoa học”. “Chúng ta sẽ gây dựng lại nền kinh tế một lần nữa theo cách an toàn, có cấu trúc và vô cùng thận trọng”, Tổng thống Trump khẳng định.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của Nhà Trắng đang vấp phải những ý kiến chỉ trích và tranh luận mạnh mẽ từ các chuyên gia y tế.

Trong bối cảnh Mỹ đang bị động trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19, nguồn lực y tế khan hiếm trên mọi mặt trận, thiếu dụng cụ xét nghiệm cũng như chậm chạp trong công tác truy dấu nguồn bệnh, kế hoạch tái khởi động hoạt động kinh tế của Tổng thống Trump có thể là một “thảm họa” nghiêm trọng, theo Guardian.

Trong ngày Tổng thống Trump tuyên bố tham vọng tái khởi động hệ thống kinh tế, tình hình dịch bệnh do Covid-19 tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục, cán mốc tổng số 680.000 ca nhiễm và hơn 34.000 trường hợp tử vong.

“Đây không phải là một đề xuất, nó đơn giản chỉ là màn chỉ tay quyền lực của Tổng thống”, Ron Klain, chiến lược gia của chính quyền Mỹ về dịch bệnh Ebola hồi năm 2014 bình luận trên Twitter.

Vị chuyên gia nổi tiếng bác bỏ đề xuất 3 giai đoạn của của Tổng thống Mỹ, chỉ trích bản kế hoạch còn thiếu vắng các “khoản dự phòng tăng cường xét nghiệm, không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về mức độ dịch bệnh để có thể mở cửa hoạt động kinh tế cũng như các biện pháp thiết thực để bảo vệ công nhân cũng như người tiêu dùng”.

Thậm chí, các chuyên gia lo ngại đây có thể là sai lầm khủng khiếp thứ 2 của Tổng thống Trump từ khi lên nắm quyền. Trước đó, phản ứng ban đầu của chính quyền Trump khi dịch bệnh mới bùng phát là “thất bại khó tin về mặt quản trị và lãnh đạo cơ bản trong thời hiện đại”, theo Jeremy Konyndyk, một chuyên gia khác từng tham gia trận chiến chống Ebola của Mỹ nhận định.

TT Trump mo cua lai nen kinh te My la mot ‘tham hoa’ anh 2

Người dân Mỹ đi lại trên đại lộ Brooklyn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ gia tăng kỷ lục do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Getty

3 trụ cột cho quá trình chuyển đổi an toàn

Hàng loạt chuyên gia cho rằng để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng - mở cửa lại nền kinh tế, Mỹ cần đảm bảo 3 trụ cột quan trọng và đảm bảo cho quá trình chuyển đổi một cách an toàn. Đó là: đảm bảo xét nghiệm hàng loạt để không bỏ sót người nhiễm bệnh, truy vết và cách ly nghiêm ngặt nguồn bệnh, và nguồn cung dồi dào các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế tuyến đầu.

Cả 3 trụ cột này đều đang tụt dốc nghiêm trọng trên khắp các bang của Mỹ.

“Tôi thực sự khiếp sợ! Hệ thống xét nghiệm của chúng ta còn khan hiếm ở nhiều nơi, với tiến trình chậm chạp thì có lẽ phải vài tuần nữa mới có thể đủ năng lực xét nghiệm”, tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết.

Tom Frieden, hiện đứng đầu cơ quan sáng kiến ​​y tế toàn cầu “Resolve to Save Lives”, nhận định sai lầm tai hại của chính phủ liên bang hồi tháng 2 là chỉ hạn chế du khách Trung Quốc và coi đây là phương thức ngăn chặn dịch bệnh hữu hiệu. Nước này bỏ qua 6 tuần để ngăn chặn hiệu quả đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên. “Và giờ chúng ta có thể lãng phí cả tháng 4”, Jeremy Konyndyk quan ngại khi Mỹ mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại.

Chuyên gia Konyndyk cũng nhấn mạnh việc cho phép các bang khởi động lại hoạt động khi chưa sẵn sàng “sẽ là một thảm họa”.

Suốt hơn 1 tháng qua, dù chưa có những thống kê chính xác nhưng các bang trên toàn nước Mỹ đều ghi nhận những khó khăn chồng chất để ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh cũng như tình trạng thiếu thốn vật tư và nguồn lực trầm trọng.

Tổng thống Trump biện hộ rằng Mỹ đang ở “trạng thái lý tưởng” và thực hiện nhiều xét nghiệm hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, giáo sư Michael Greenberger, giám đốc Trung tâm Y tế và An ninh Nội địa thuộc Đại học Maryland cho rằng Mỹ vẫn nằm trong số các nước xếp sau cùng về tỷ lệ xét nghiệm trên quy mô toàn dân số”. Mỹ mới xét nghiệm khoảng 3,3 triệu người, tức là khoảng 1% dân số, thấp hơn rất nhiều so với Đức (2,1%) hay Hàn Quốc (1,1%). Iceland còn thực hiện các xét nghiệm toàn dân với tỷ lệ gấp 10 lần Mỹ.

Bên cạnh đó, 50 tiểu bang Mỹ đều chưa thực hiện hiệu quả công tác theo dõi các trường hợp nhiễm Covid-19 cần thiết. Sau 12 tuần bùng phát dịch bệnh, ngay tại những bang đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như New York vẫn đang chật vật vì thiếu các xét nghiệm.

Đó là chưa kể việc các bang vẫn cạnh tranh khốc liệt trong cơn bão giá để tích trữ đủ các thiết bị y tế thiết yếu như thuốc thử và bộ dụng cụ chiết RNA…

Anita Cicero, thành viên trong nhóm xây dựng đề xuất khởi động nền kinh tế Mỹ mở lại nước Mỹ, thuộc Trung tâm An ninh Y tế tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Chúng ta đã có những ca bệnh phát tán âm ỉ trong cộng đồng, nhưng việc chậm trễ xét nghiệm đã khiến chúng ta mất cơ hội truy dấu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thực hiện nhiều xét nghiệm trên diện rộng hơn nữa”.

Trung tâm nghiên cứu của Đại học Harvard cho rằng Mỹ cần thực hiện thêm hàng chục triệu xét nghiệm mỗi ngày, một điều vượt quá khả năng nước này.

Theo kế hoạch đề xuất của ĐH Johns Hopkins việc tăng cường xét nghiệm còn phải đi cùng với công tác truy vết người nhiễm bệnh và tiến hành cách ly. Ước tính cần huy động ít nhất 100.000 người thực hiện công tác theo dõi này. Cicero cho biết chính quyền Vũ Hán từng huy động lực lượng khổng lồ gấp 3 lần dân số thành phố để truy dấu bệnh nhân.

Có thể nói, với vô số khó khăn bủa vây, nước Mỹ vẫn như trên đống lửa trong trận chiến với Covid-19.

TT Trump mo cua lai nen kinh te My la mot ‘tham hoa’ anh 3

Mỹ vẫn thiếu các xét nghiệm mở rộng và chậm trễ công tác truy vết nguồn bệnh. Ảnh: Getty

Hôm 16/4, Tổng thống Trump bất ngờ hạ giọng và chuyển quyền quyết định mở cửa kinh tế cho 50 tiểu bang. Một số quan chức nói với Washington Post rằng tổng thống Mỹ muốn bảo vệ bản thân trước nguy cơ trở thành kẻ tội đồ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tổng thống Mỹ cho biết có 29 tiểu bang đang có “tình trạng cực kỳ tốt” để có thể mở cửa hoạt động trở lại, nhưng không nêu rõ là những bang nào. Nhưng Ciceo nhận định mỗi tiểu bang của Mỹ không phải là các ốc đảo, họ không có biên giới giữa các bang cũng như hào nước xung quanh. Do đó, trận chiến với Covid-19 sẽ là con đường đầy gập ghềnh phía trước.

Giữa lúc đó, bang New York vẫn đang chứng kiến hiện thực đau lòng về sự tàn phá của dịch bệnh. Số ca tử vong do Covid-19 ở bang này đã vượt qua 17.000, bỏ xa tất cả các nguyên nhân gây thiệt hại về người khác.

“Tôi bàng hoàng và vỡ vụn trong lòng với những gì đang xảy ra ở New York”, Frieden đau đớn cho biết. Hiện khoảng 10.000 người New York được xét nghiệm virus corona mỗi ngày. Mark Levine, Chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng thành phố New York, cho rằng cần phải tăng gấp đôi năng lực xét nghiệm hiện có mới có thể mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa là hết bộ dụng cụ xét nghiệm ở bang này.

Ông Levine cho rằng Tổng thống Trump có đủ thẩm quyền để ra lệnh các nhà sản xuất cung cấp các thiết bị này. Nhưng trừ khi Nhà Trắng ra lệnh ngay lập tức, nếu không chúng ta sẽ chẳng còn thời gian nữa.

An Chi

Bạn có thể quan tâm