Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ lên tiếng về vụ đại sứ quán Triều Tiên ở TBN bị đột nhập

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino ngày 26/3 khẳng định Washington không có mối liên hệ với vụ đột nhập đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid.

Tòa án Tây Ban Nha đang lên kế hoạch yêu cầu dẫn độ từ Mỹ một số đối tượng tình nghi liên quan đến vụ đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid bị đột nhập vào tháng 2.

Một thẩm phán Tây Ban Nha cho rằng 10 đối tượng đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên ngày 22/2 là những nhà hoạt động nhân quyền, Reuters dẫn thông tin từ văn bản của tòa án. 

Theo đó, các thành viên nhóm đến từ Mỹ, Mexico và Hàn Quốc đã xông vào đại sứ quán Triều Tiên nhằm thuyết phục một quan chức ngoại giao nước này đào tẩu. Họ còn đánh cắp một số máy tính, ổ cứng và USB.

Vụ đột nhập bí ẩn dần sáng tỏ

Theo văn bản của tòa án, trưởng nhóm đột nhập đại sứ quán là Adrian Hong Chang, công dân Mexico, đã liên lạc với Cục Điều tra Liên bang (FBI) vài ngày sau khi vụ việc xảy ra. Công dân Mỹ tham gia vụ việc được xác định là Sam Ryu.

Vị thẩm phán Tây Ban Nha cho rằng tất cả các nghi phạm đã chạy sang Mỹ sau ngày 22/2. Ông đang lên kế hoạch yêu cầu Mỹ cho dẫn độ các đối tượng tình nghi sang Tây Ban Nha để xét xử. Mức án tối đa những thành viên nhóm hoạt động có thể nhận là 28 năm tù.

dot nhap dai su quan Trieu Tien anh 1
Xe cảnh sát đậu trước cổng đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha. Ảnh: El Pais.

Tổ chức hoạt động nhân quyền Cheollima Civil Defense hôm 26/3 đã thừa nhận đứng sau vụ việc tại đại sứ quán Triều Tiên. Tuy nhiên, nhóm này khẳng định đó không phải là một vụ tấn công, mà thật ra họ được đại sứ quán chủ động mời đến.

Tổ chức này khẳng định không có nhân viên nào tại đại sứ quán bị đánh đập hay khống chế trái pháp luật. Nhóm cũng thừa nhận hành động đơn độc, không liên quan đến bất kỳ chính phủ nào.

Cheollima cho rằng việc công khai danh tính các cá nhân liên quan đến vụ việc sẽ "tiếp tay cho Bình Nhưỡng". Tổ chức này từ chối xác nhận danh tính một số nghi phạm được nêu trong văn bản của tòa án Tây Ban Nha.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino ngày 26/3 khẳng định Washington không có mối liên hệ với vụ đột nhập đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid. Ông nhấn mạnh Mỹ ủng hộ việc đảm bảo an toàn cho đại sứ quán của tất cả các nước, ở mọi nơi trên thế giới.

Bộ Ngoại giao Mỹ lẫn FBI đều từ chối bình luận về thông tin phía Tây Ban Nha dự tính gửi yêu cầu dẫn độ nghi phạm. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha trước đó có thông báo cảnh sát đã điều tra vụ đột nhập ở Madrid nhưng không hé lộ nhiều chi tiết. Chỉ có một công dân Triều Tiên bị thương trong vụ đột nhập.

Súng giả và mặt nạ đen

Đầu tháng 3, tờ Washington Post đã dẫn nguồn tin giấu tên cho biết tổ chức Chellima Civil Defense đứng sau vụ đột nhập bí ẩn tại Madrid.

Một nguồn tin khác của Reuters cho biết các chuyên gia của chính phủ Mỹ cũng tin rằng Cheollima là tổ chức chịu trách nhiệm cho vụ việc, dù chưa chắc chắn 100%.

Văn bản của tòa án Tây Ban Nha đã liệt kê chi tiết hành tung của các nghi phạm trước và trong khi đột nhập đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid ngày 22/2. Các điều tra viên cho biết nhóm nghi phạm đã mua sẵn dao, súng giả và mặt nạ trùm kín mặt.

dot nhap dai su quan Trieu Tien anh 2
Đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid bị đột nhập ngày 22/2. Ảnh: AP.

Sau khi đột nhập đại sứ quán, nhóm bắt trói nhân viên trong vài tiếng đồng hồ. Có ba thành viên nhóm đã đưa một quan chức ngoại giao Triều Tiên xuống tầng hầm, tìm cách thuyết phục ông đào tẩu. Nhóm cũng kiểm tra khuôn viên cơ sở ngoại giao tìm xem có vũ khí được cất giấu hay không trước khi rời đi.

Cơ quan điều tra cho biết các nghi phạm chia nhỏ thành bốn nhóm lẻ, chạy sang Bồ Đào Nha. Người trưởng nhóm sau đó bay từ thành phố Lisbon sang New York.

Sung Yoon Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tufts (Mỹ), không đồng tình với việc thông tin các thành viên nhóm bị nêu công khai trong văn bản tòa án Tây Ban Nha. Ông cho rằng việc để lộ danh tính nhóm có thể đe dọa sinh mạng của những người này, không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ trả đũa vì nhóm có công dân Mỹ và Hàn Quốc.

"Có vẻ FBI đã chủ động tiếp nhận những thông tin tình báo mà nhóm này thu thập được để đổi lấy sự bảo vệ bí mật danh tính cho các thành viên nhóm", Sung nhận định.

Những kẻ tấn công sứ quán Triều Tiên ở Madrid cung cấp tin cho FBI

Một trong 10 kẻ đột nhập vào Đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid hôm 22/2 sau đó đã liên hệ với Cục Điều tra Liên bang Mỹ, theo tài liệu của tòa án Tây Ban Nha.

CIA hay ai đứng sau vụ tấn công sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha?

Dù rất ít thông tin được đưa ra hay xác nhận, dường như các cơ quan tình báo nước ngoài, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc, có dính dáng đến vụ việc.



Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm