Thông tin này được đăng tải đầu tiên bởi Wall Street Journal hôm 3/8. Tờ báo dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết bồi thẩm đoàn này đã bắt đầu làm việc ở thủ đô Washington "trong những tuần gần đây".
Việc thành lập đại bồi thẩm đoàn cho phép công tố viên Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI), ra trát và buộc các nhân chứng ra làm chứng.
Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc điều tra liên bang về nghi vấn Moscow can thiệp bầu cử đang tăng tốc và là bước đi có thể dẫn tới truy tố hình sự.
"Đây là nấc leo thang quan trọng của quá trình (điều tra)", luật sư về an ninh quốc gia Bradley Moss nói với AFP. "Nếu bản cáo trạng được ban hành thì bước tiếp theo sẽ là bắt giữ bị đơn".
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller là người chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử năm 2016 cũng như mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump với Moscow. Ảnh: CNN. |
Trong khi đó, Reuters cho biết trát của đại bồi thẩm đoàn yêu cầu ra làm chứng đã được ban hành liên quan đến cuộc gặp hồi tháng 6/2016 của con trai và con rể ông Trump với một luật sư Nga.
Mỹ là một trong số ít các quốc gia sử dụng đại bồi thẩm đoàn. Tu chính án thứ năm yêu cầu hệ thống tư pháp liên bang sử dụng các đại bồi thẩm đoàn cho tất cả các tội phạm liên quan đến tử hình hay trọng tội.
Các đại bồi thẩm đoàn được thành lập nhằm mục đích loại bỏ các vụ án được khởi tố thiếu căn cứ và đặc biệt hữu ích trong các vụ khủng bố, tham nhũng công và tội phạm có tổ chức.
Đại bồi thẩm đoàn bao gồm những công dân bình thường. Tất cả những gì mà họ phải quyết định là liệu có đủ bằng chứng để đưa vụ án ra xét xử hay không. Họ không quyết định một người là có tội hay vô tội.
Không giống như trong các phiên tòa thông thường, giám sát một đại bồi thẩm đoàn không phải là thẩm phán. Thay vào đó, chủ toạ là các công tố viên.