Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ không kích Syria, 'thùng thuốc súng Trung Đông' có bùng nổ?

Những động thái mới nhất cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Iran có thể trở nên phức tạp hơn sau thời gian tương đối yên ắng, bất chấp kỳ vọng về những điều chỉnh chính sách ở Washington.

Mỹ đã không kích cơ sở của các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn tại Syria hôm 25/2, trong động thái được xem là đòn trả đũa sau hàng loạt vụ tấn công bằng rocket nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq.

Đây là vụ tấn công quân sự đầu tiên được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn từ khi nhậm chức, giữa lúc chính quyền của ông đã thể hiện ý định sẵn sàng đàm phán với Iran về việc quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015.

Những động thái mới nhất từ các bên cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Iran có thể trở nên phức tạp hơn sau thời gian tương đối yên ắng, bất chấp kỳ vọng về những điều chỉnh chính sách của Washington tại khu vực dưới thời ông Biden.

Giới phân tích nhận định các vụ tấn công bằng rocket cho thấy các phe phái liên kết với Iran đang gây áp lực lên chính phủ nước này, giữa lúc Tehran có thể đang tìm kiếm đòn bẩy đối với chính quyền mới của Mỹ.

Trong khi đó, chính quyền Biden cũng cho thấy họ không e ngại "lằn ranh đỏ" như trước, dù vẫn "cân nhắc kỹ càng" trong cách tiếp cận.

Không còn xuống thang

Iraq, nơi bị tàn phá bởi nhiều thập kỷ chiến tranh và nổi dậy, đã trở thành chiến trường chiến lược đối với Mỹ và Iran. Cả hai đều là đồng minh của Baghdad, nhưng mâu thuẫn gay gắt về chương trình hạt nhân của Tehran.

My va Iran quay lai quy dao doi dau anh 1

Tên lửa làm hư hỏng mái nhà ở Erbil, Iraq, hôm 15/2. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích và quan chức Iraq cho rằng việc các vụ tấn công trở lại sau 4 tháng yên ắng cho thấy Iran và các đồng minh ở Iraq đang từ bỏ việc xuống thang và tìm kiếm đòn bẩy đối với các đối thủ của họ.

Phần lớn các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Iraq và liên quân không gây ra thương vong. Song vụ tấn công mới nhất hôm 22/2 là vụ thứ ba ở Iraq chỉ trong hơn một tuần nhằm vào các khu vực Green Zone có binh sĩ, viên chức ngoại giao hoặc người làm việc cho Mỹ.

"Có vẻ như chúng ta đang quay trở lại năm ngoái", một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ ở Iraq nói với AFP, đề cập đến vài tháng trong năm 2020 khi tên lửa dội xuống các địa điểm của Mỹ mỗi tuần một lần hoặc hơn.

Hôm 22/2, hai quả rocket rơi xuống gần đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, vài ngày sau khi một căn cứ không quân xa hơn về phía bắc bị một loạt đạn tấn công. Căn cứ này là nơi bảo trì các máy bay chiến đấu F-16 mua từ Washington.

Tên lửa cũng tấn công một khu phức hợp quân sự ở thủ phủ Erbil của khu vực người Kurd hôm 15/2, giết chết một dân thường và một nhân viên hợp đồng người nước ngoài làm việc với liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Các vụ việc tương đồng với hàng chục vụ tấn công vào năm ngoái, thường là một loạt rocket 107 mm bắn từ một chiếc xe tải, các quan chức an ninh cho biết.

Năm nay, các nhóm thân Iran thường bị quy trách nhiệm cho các vụ tấn công như vậy - bao gồm Kataeb Hezbollah và Asaib Ahl al-Haq - đã nhanh chóng lên án các vụ tấn công, phủ nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết "mọi dấu hiệu đều gợi ý đó là cùng một kiểu tấn công". "Và thông tin tình báo được chia sẻ với chúng tôi cho thấy còn nhiều vụ nữa sẽ xảy ra", nguồn tin nói.

Những diễn biến mới tại khu vực và quốc tế có thể đã thúc đẩy việc tiến hành trở lại các vụ tấn công.

Tìm kiếm đòn bẩy

Theo chuyên gia Aniseh Bassiri thuộc Viện Dịch vụ Liên hợp Hoàng gia, đang có "những cân nhắc trong nước" khi các nhóm vũ trang Iraq muốn thách thức lời khẳng định của Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi rằng ông có thể kiềm chế họ.

"Họ muốn nhắc nhở mọi người rằng họ không biến mất và cho thủ tướng thấy họ không bị kiềm chế", bà nói với AFP.

My va Iran quay lai quy dao doi dau anh 2

Hiện trường vụ tấn công ở Erbil. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, các vụ tấn công cũng có thể là thông điệp từ Tehran tới Washington, nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị quay lại với thỏa thuận hạt nhân Iran mà người tiền nhiệm Donald Trump đã từ bỏ vào năm 2018.

Iran đang yêu cầu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngay lập tức, trong khi Mỹ muốn Iran hành động trước bằng cách quay lại tuân thủ toàn bộ các cam kết trước đây liên quan đến chương trình hạt nhân của mình.

Iran đã thể hiện giọng điệu cứng rắn trong tuần này, hạn chế việc kiểm tra các cơ sở hạt nhân và cảnh báo nước này có thể đẩy mạnh hơn nữa việc làm giàu uranium.

"Các vụ tấn công mới có thể là nỗ lực của những người thân cận với Iran nhằm tăng đòn bẩy của Tehran trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ đang diễn ra", bà Bassiri nói.

Ngoài những tính toán địa chính trị, Iran cũng có thể có những lý do đơn thuần về tài chính nhằm gây áp lực với Baghdad, theo các quan chức địa phương và phương Tây.

Với nền kinh tế bị cấm vận, Tehran đang không thể tiếp cận tài khoản tại Ngân hàng Thương mại Iraq (TBI) thuộc sở hữu nhà nước, nơi Baghdad đang thanh toán cho khí đốt nhập khẩu từ Iran.

Iraq đã không sẵn sàng giải ngân số tiền tương đương khoảng 2 tỷ USD một cách tự do, vì sợ rằng điều này sẽ khiến Mỹ tức giận.

Vào tháng 1, Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein và Chánh văn phòng Thủ tướng Raed Juhi đã đến Tehran với một thông điệp từ Thủ tướng Kadhemi yêu cầu Tehran kiềm chế các nhóm vũ trang ở Iraq, sau ba vụ tấn công bằng rocket.

Họ đã gặp Esmail Qaani, người đã trở thành lãnh đạo Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran sau vụ tấn công của Mỹ ở Baghdad năm ngoái giết chết người tiền nhiệm Qasem Soleimani.

"Qaani nói rằng trừ khi Iran rút được tiền từ tài khoản TBI, họ sẽ không thể kiểm soát hoạt động của các nhóm vũ trang ở Iraq", một quan chức cấp cao của Iraq nắm rõ chuyến đi nói với AFP.

Một quan chức Iraq khác và một nhà ngoại giao phương Tây cho biết các cuộc thảo luận của họ ở Baghdad đã xác nhận mối liên hệ giữa tài khoản TBI và các vụ tấn công bằng tên lửa.

Mỹ tính toán gì?

Phản ứng quân sự của Mỹ hôm 25/2 không nằm ngoài dự đoán.

“Phản ứng quân sự tương xứng này được tiến hành cùng với các biện pháp ngoại giao, bao gồm tham vấn với các đối tác liên minh”, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, John Kirby, cho biết trong thông báo về cuộc không kích hôm 25/2.

“Động thái này gửi đi một thông điệp rõ ràng: Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các nhân viên Mỹ và liên quân. Đồng thời, chúng tôi đã hành động một cách có thiện chí nhằm xoa dịu tình hình chung ở miền Đông Syria và Iraq”.

Một quan chức quân sự Mỹ nói với AFP rằng "chúng tôi đã đưa ra các phương án, bao gồm tấn công ở cả bên trong và bên ngoài Iraq, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền mới".

My va Iran quay lai quy dao doi dau anh 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: New York Times.

Ông Biden chuẩn thuận vụ không kích vào sáng 25/2, khi Bộ trưởng Quốc phòng Austin Lloyd đang ở một khách sạn ở San Diego, chuẩn bị thăm tàu sân bay Nimitz đang trở về từ Vịnh Ba Tư.

Ông Austin tự tin rằng các cơ sở được nhắm mục tiêu đã được sử dụng bởi các nhóm dân quân đứng sau các vụ tấn công rocket ở Iraq. Phát biểu với các phóng viên trên máy bay vào tối 25/2, ông nói rằng chính quyền Biden đã "cân nhắc kỹ càng" về cách tiếp cận của mình.

"Chúng tôi đã cho phép và khuyến khích người Iraq điều tra và tập hợp thông tin tình báo. Điều đó rất hữu ích cho chúng tôi trong việc xác định mục tiêu", ông nói, theo New York Times.

Chính quyền Biden đã phản ứng cẩn trọng hơn so với chiến dịch tấn công của ông Trump nhằm vào Iran và hành động trong quá khứ của lực lượng ủy nhiệm Mỹ ở Iraq - những hành động thường khiến chính phủ Iraq rơi vào tình thế nguy hiểm.

Sau vụ tấn công rocket ở Erbil, các quan chức chính quyền đã nói Mỹ sẽ đáp trả vào thời gian và địa điểm mà họ lựa chọn.

Mặc dù vậy, sự "cân nhắc kỹ càng" trong cách tiếp cận của chính quyền mới đã đặt ra câu hỏi ở cả Washington và Baghdad về "lằn ranh đỏ" của ông Biden khi phải đáp trả các vụ tấn công từ lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào người Mỹ ở Iraq.

Quân đội Mỹ đã giảm quân số ở Iraq xuống dưới 2.500 người và đã rút khỏi một số căn cứ ở đó trong hai năm qua. Mỹ nói Iraq không còn cần sự giúp đỡ mà họ đã làm trong quá khứ để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).

Iran đã nói rõ họ có ý định tiếp tục trả đũa sau vụ Mỹ ám sát tướng Qasem Soleimani. Vài ngày sau vụ tấn công đó, chính phủ Iran đã phóng tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ tại căn cứ không quân Ain al Assad ở tỉnh Anbar của Iraq, khiến hơn 100 binh sĩ bị thương.

17 người chết trong vụ Mỹ không kích ở Syria

Mỹ thực hiện cuộc không kích đầu tiên do Tổng thống Biden phê chuẩn nhằm vào cấu trúc ở Syria của nhóm dân quân được cho là do Iran hậu thuẫn.

Mỹ sẵn sàng đàm phán với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân

Chính quyền Biden hôm 18/2 bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Iran để đưa cả hai nước quay trở lại thỏa thuận được ký năm 2015, nhằm ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm