Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ hoan hỉ, Trung Quốc giận dữ vì Nhật sửa Hiến pháp

Trung Quốc và Mỹ phản ứng trái ngược nhau sau khi liên minh cầm quyền tại Nhật Bản sửa Hiến pháp để quân đội có thể bảo vệ các đồng minh trong xung đột.

Giới truyền thông Trung Quốc dùng những lời lẽ gay gắt để phê phán việc liên minh cầm quyền Nhật Bản sửa Hiến pháp Hòa bình để quân đội của họ có thể ra nước ngoài và hỗ trợ các đồng minh. Tân Hoa Xã cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe đang kiến tạo một cuộc đảo chính nguy hiểm để hủy hoại Hiên pháp Hòa bình và các ý tưởng dân chủ.

"Chủ trương của Abe sẽ thay đổi quan điểm quốc phòng của Nhật Bản từ sau Thế chiến II và có thể kéo đất nước vào những xung đột đẫm máu trong tương lai", Tân Hoa Xã nhận định.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích việc Nhật Bản sửa Hiến pháp. Trong một cuộc họp báo hôm 1/7, Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu: “Trung Quốc phản đối Nhật Bản ngụy tạo mối đe dọa từ Trung Quốc để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị trong nước”.

Trong khi đó, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đồng loạt lên tiếng ủng hộ việc Nhật Bản mở rộng vai trò của quân đội để bảo vệ đồng minh trong khu vực.

“Chúng tôi đã theo dõi những cuộc thảo luận tại Nhật Bản về vấn đề thực thi các quyền theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc về tự vệ tập thể. Mỹ hoan nghênh chính sách mới của Nhật Bản về tự vệ tập thể và các vấn đề an ninh liên quan”, Marie Harf, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản sẽ khiến quan hệ liên minh Mỹ - Nhật hiệu quả hơn. "Đây là quyết định quan trọng đối với Nhật Bản khi họ muốn đóng góp trách nhiệm lớn hơn đối với hòa bình và an ninh khu vực”.

Phó trưởng nhóm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết Tổng thống Barack Obama "rất ủng hộ" quyết định của chính phủ Nhật Bản. Ông gọi đây là biểu hiện của sự chín muồi trong liên minh Mỹ - Nhật. "Quyết định của Nhật Bản tạo không gian để Nhật Bản thể hiện vị trí lớn hơn với cương vị một đối tác an ninh của Mỹ và là quốc gia tuân thủ trật tự quốc tế".

Lực lượng tự vệ Nhật Bản trong một cuộc diễu hành quân sự. Ảnh: Reuters
Lực lượng tự vệ Nhật Bản trong một cuộc diễu hành quân sự. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Rhodes khuyên Nhật Bản nên "hoàn toàn minh bạch" về chính sách mới và "phải bày tỏ rõ ràng những mục tiêu mà họ hướng đến". Theo ông, Mỹ khuyến khích Nhật Bản nỗ lực đối thoại với các láng giềng, giống như Hàn Quốc, để "các đồng minh của Mỹ thấu hiểu nhau".

Sau quá trình tranh cãi gay gắt trong chính trường, hôm qua liên minh cầm quyền tại Nhật Bản chính thức thông qua quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể, giải thích lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản để Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham chiến ở nước ngoài. Từ nay quân đội Nhật Bản sẽ hỗ trợ đồng minh trong trường hợp xung đột xảy ra với đối thủ dù Tokyo không liên quan trực tiếp trong giao tranh.

Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 24/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng tuyên bố Manila ủng hộ việc Nhật Bản muốn mở rộng vai trò quân sự tại khu vực. “Chúng tôi tin các nước sẽ có lợi nếu Nhật Bản có thể hỗ trợ quốc gia khác, đặc biệt trong lĩnh vực phòng vệ tập thể”.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm