Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ đẩy nhanh chiến lược 'lấy thịt đè người' trên Biển Đông

Nhằm thực hiện âm mưu “lấy thịt đè người” trên biển, Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đóng tàu chấp pháp sớm 2 năm so với dự kiến.

Tôn chỉ tốt đẹp che giấu những hành động đen tối

Ngày 27/ 6 vừa qua, buổi họp báo Triển lãm tàu công vụ và thương mại quốc tế Thượng Hải 2014 tại Bắc Kinh. Ian Lockhart, Bí thư thứ nhất của cơ quan thương mại và đầu tư Anh, ông Trương Thu Dung, phụ trách mảng giao thông và các công trình trọng điểm của Ủy ban Thương mại Trung - Anh, tham dự cuộc họp báo.

Hội chợ triển lãm tàu thủy công vụ và thương mại quốc tế Thượng Hải (Seawork Asia) sẽ khai mạc vào ngày 4 đến ngày 6/11 tại trung tâm triển lãm “World Expo” ở Thượng Hải. Nó diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng do những hành động ngang ngược, bất chấp luật lệ quốc tế của nước chủ nhà.

Hải Cảnh 3306 neo đậu cạnh Hải Cảnh 1306 cùng thuộc lớp 3.000 tấn.
Hải Cảnh 3306 neo đậu cạnh Hải Cảnh 1306 cùng thuộc lớp 3.000 tấn.

Tuy mang một tôn chỉ mỹ miều "hướng tới chuyên nghiệp, soi đường Châu Á", với tham vọng tạo ra quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất không chỉ ở Trung Quốc mà con trên toàn Châu Á, nhưng cuộc triển lãm cũng chỉ là cái bình phong che mắt thiên hạ để Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ xây dựng lực lượng tàu chấp pháp hòng hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo tin từ buổi họp báo, nhiều diễn đàn thảo luận cấp cao sẽ diễn ra trong cuộc triển lãm, nội dung chủ yếu bàn về "Triển vọng phát triển thị trường tàu thương mại, công vụ Châu Á", "Tàu công vụ thế hệ mới", "Khai phá cảng xanh" và các hoạt động giao lưu công nghệ, đẩy mạnh thêm một bước hoạt động giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, nghiên cứu và ứng dụng.

Phạm vi sản phẩm trưng bày tại hội chợ triển lãm bao gồm các tàu tuần tra, tàu cảnh sát biển và tàu bảo vệ bờ biển; các vấn đề về thiết kế, chế tạo, tu sửa và bảo dưỡng tàu thương mại và công vụ; các hợp đồng hàng hải; dịch vụ cầu cảng và tàu thủy; thiết bị tàu thủy; công trình xây dựng trên biển; sắp xếp và tuyển dụng nhân sự; an ninh và pháp luật hàng hải.

Chính quyền Thượng Hải và cơ quan thương mại và đầu tư vương quốc Anh phối hợp để chuyển triển lãm này về Châu Á, với hy vọng nó sẽ kế thừa những thành công rực rỡ của Triển lãm thương mại quốc tế tàu thuyền hải sự (Seawork International) tại Anh trong 17 năm qua.

Tuy nhiên, rất có thể ý nghĩa cao đẹp của cuộc Triển lãm do Anh đăng cai tổ chức 17 năm qua sẽ trôi sông đổ bể khi cuộc triển lãm “phiên bản Trung Quốc” phục vụ những âm mưu đen tối của Bắc Kinh. Trung Quốc đang tìm mọi cách tăng cường lực lượng tàu chấp pháp khổng lồ nhằm đè bẹp tàu của các nước đang tranh chấp chủ quyền trên biển với họ.

Nhiều nguồn tin cho biết các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc như Ngư chính, Hải giám, Hải Tuần, Hải Cảnh, Biên phòng, Hải quan cũng đang đẩy mạnh kế hoạch đóng tàu.

Theo tiết lộ của các chuyên gia trong ngành đóng tàu Trung Quốc, rất nhiều dự án đóng tàu chấp pháp dự định bắt đầu vào năm 2015 - 2016 đều đã tiến hành đấu thầu sớm trong năm 2014. Trong 2 năm 2014 và 2015, nhu cầu thị trường tàu công vụ sẽ tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2 năm trước. Như vậy, Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng số lượng tàu công vụ để thực hiện chiến lược xâm chiếm các đại dương bằng tàu chấp pháp.

2 tàu Hải Cảnh cỡ 4.000 tấn là 2401 và 3401 neo đậu bên nhau.
2 tàu Hải Cảnh cỡ 4.000 tấn là 2401 và 3401 neo đậu bên nhau.

Mượn cớ đẩy mạnh chiến lược “lấy thịt đè người” trên biển Đông

Từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mỗi ngày Trung Quốc điều hàng trăm tàu làm nhiệm vụ bảo vệ, ngăn chặn tàu công vụ Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải.

Các tàu chấp pháp hạng nặng của Trung Quốc gây ra nhiều thiệt hại cho tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư cỡ nhỏ của Việt Nam. Hiện nay, phần lớn tàu Việt Nam có lượng giãn nước nhỏ. Lượng giãn nước của tàu lớn nhất cũng chỉ đạt hơn 2.000 tấn, trong khi Trung Quốc có rất nhiều tàu 3-4.000 tấn.

Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng chấp pháp biển mạnh nhất trên thế giới, vượt trội lực lượng bảo vệ an ninh biển thuộc dạng mạnh nhất châu Á của Nhật Bản. Nhật Bản có khoảng 51 tàu từ cỡ 1000 tấn trở lên và đang đóng mới khoảng 12 tàu nữa nhưng con số đó chỉ bằng khoảng 1/4 tới 1/3 số lượng tàu chấp pháp Trung Quốc.

Ngoài các biện pháp mang tính cấp bách là hoán cải tàu chiến thành tàu cảnh sát biển, ngư chính và hải giám, Trung Quốc còn muốn hoàn tất kế hoạch đóng mới gần 50 tàu chấp pháp có lượng giãn nước từ 3.000 - 12.000 tấn tới năm 2015 nhằm thực hiện chiến lược lâu dài để độc chiếm Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tàu Hải Cảnh 3402 thuộc loại 4000 tấn.
Tàu Hải Cảnh 3402 thuộc loại 4000 tấn.

Các tàu chấp pháp cỡ lớn hiện đang chế tạo hoặc sắp khởi đóng của Trung Quốc gồm 6 tàu hải giám lượng giãn nước 3500 tấn, 11 tàu ngư chính loại 3500 tấn, 10 tàu hải cảnh cỡ 4000 tấn, 4 tàu hải cảnh loại chuyên chịu va đập lớp 5000 tấn, 4 tàu hải cảnh loại 6000 tấn, và ít nhất là 4 tàu hải cảnh siêu lớn có lượng giãn nước tới 12.000 tấn.

Các tàu chấp pháp thế hệ mới loại 4.000 tấn của Trung Quốc được cải tiến trên cơ sở tàu Hải giám 50, các tàu Ngư chính thế hệ mới lớp 3.000 tấn sẽ được thiết kế và đóng mới hoàn toàn, có tốc độ cao, tính năng chống chịu sóng gió rất tốt, khả năng chịu va đập rất mạnh.

Các tàu Hải cảnh cỡ 5.000 tấn thuộc loại tàu chấp pháp đa năng, được cải tiến trên cơ sở các tàu cứu hộ, trục vớt hạng nặng, động cơ 8.000kW, có khả năng chịu va chạm siêu mạnh, bảo đảm lợi thế rất lớn khi đối đầu với các tàu chấp pháp nước ngoài. 

Loại tàu có lượng giãn nước 6.000 tấn được cải tiến trên cơ sở nguyên mẫu tàu tuần tra hạng nặng “Hải tuần 01”. Việc đóng mới các tàu theo mẫu có sẵn sẽ khiến cho các nhà máy đóng tàu Trung Quốc rút ngắn được thời gian, hạ thấp giá thành sản phẩm, nhanh chóng tăng cường số lượng tàu Giám sát biển hiện có.

Tàu Hải Cảnh 1401 neo đậu bên 2 tàu Hải cảnh cỡ 1.000 tấn.
Tàu Hải Cảnh 1401 neo đậu bên 2 tàu Hải cảnh cỡ 1.000 tấn.

 

Đặc biệt, các tàu công vụ thuộc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đang từng bước trang bị vũ khí, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc đấu tranh chấp pháp hoặc xung đột quân sự trên biển. 

Đến năm 2015, Trung Quốc sẽ có lực lượng tàu chấp pháp siêu mạnh. Đây chính là lực lượng “Hải quân 2” hay còn gọi là “lực lượng tiều duyên” trong chiến lược độc chiếm đại dương. Các tàu này sẽ là lực lượng nòng cốt trong tranh chấp chủ quyền và nguồn lợi hải dương với tàu công vụ các nước khác trong khu vực.

Theo tính toán, sau năm 2015, số lượng các tàu chấp pháp trên 1.000 tấn của Trung Quốc sẽ vào khoảng 200 - 300 tàu, trong đó gần một nửa thuộc loại từ 3.000 tấn trở lên. Đây chính là “lực lượng tiền tiêu” trong chiến lược tranh bá đại dương, là lực lượng nòng cốt trong tranh chấp chủ quyền, ngư trường và nguồn lợi hải dương với tàu công vụ các nước khác trong khu vực. 

Khi lực lượng tàu công vụ đã lấn át hoàn toàn các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bắc Kinh sẽ bắt đầu chiến lược xâm chiếm các đại dương bằng “cuộc chiến tranh không khói súng”. Lực lượng tàu công vụ khổng lồ đông đảo của họ sẽ lấp kín các vùng biển, không cho đối thủ có cơ hội trong cuộc xung đột phi quân sự, nặng về tranh chấp, va đập.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tq-day-nhanh-chien-luoc-lay-thit-de-nguoi-tren-bien-dong-3044646/

Theo Thanh Tâm/Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm