AFP cho biết cuộc tập trận kéo dài 5 ngày, huy động khoảng 230 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và 12.000 binh sĩ hai nước. Thời điểm tập trận diễn ra khoảng một tuần sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được cho là có khả năng bắn tới lục địa Mỹ.
Một máy báy tấn công điện tử EA-18G hạ cánh ở căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek sau khi Triều Tiên thử tên lửa ngày 29/11. Ảnh: EFE. |
Yonhap cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ điều động 6 máy bay Raptor đến tham dự tập trận ở Triều Tiên. Các máy bay F-35 của Mỹ cũng sẽ cất cánh từ căn cứ ở Nhật Bản để tham gia diễn tập.
Ngoài ra là các máy bay khác như hai máy bay ném bom B-1B, sáu máy bay chiến đấu điện tử EA-18G và hàng chục chiếc F-15C và F-16.
Quân đội Hàn Quốc cũng triển khai những máy bay chủ lực như F-15K, KF-16, FA-50, F-5 và một số tiêm kích khác.
"Mục đích tập trận nhằm nâng cao khả năng phối hợp trên không giữa lực lượng hai nước bất kể thời tiết hoặc ngày và đêm. Các nội dung diễn tập bao gồm tấn công nhằm vào các mục tiêu giả định", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Máy bay F-22 Raptor của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Gwangju ở Hàn Quốc hôm 3/12. Ảnh: AFP. |
Tờ báo nhà nước Rodong Sinmun của Triều Tiên đã chỉ trích gay gắt cuộc tập trận này. “Đó là một sự khiêu khích toàn diện chống lại Triều Tiên, có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân bất cứ lúc nào. Người Mỹ và Hàn Quốc cần nhớ rằng đặt mục tiêu tập trận là Triều Tiên chính là hành động ngu ngốc có thể dẫn đến tự huỷ diệt”.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng cáo buộc chính quyền Trump là “van nài chiến tranh hạt nhân xảy ra” khi tiến hành tập trận không quân với Hàn Quốc.
Trong diễn biến liên quan, Hạ nghị sĩ Mike Rogers, thành viên Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) sẽ triển khai thêm hệ thống phòng thủ tại những địa điểm ở khu vực Bờ Tây. Dự kiến hệ thống THAAD (phòng thủ tên lửa tầm cao, từng được điều động đến Hàn Quốc) sẽ được đưa đến những nơi này, nhằm đáp trả một cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Mỹ sẽ đưa hệ thống THAAD đến Bờ Tây. Ảnh: Reuters. |
Ông Rogers không cho biết các địa điểm cụ thể, chỉ nói “nhiều nơi đang cạnh tranh” để được lựa chọn. “MDA đang đánh giá các tiêu chí cũng như tác động môi trường”, Reuters dẫn lời ông.
Một lãnh đạo MDA từ chối bình luận về kế hoạch này.
Đại diện công ty quốc phòng Lockheed Martin, nơi sản xuất THAAD, cho biết đơn vị này đã “sẵn sàng ủng hộ chính phủ trong các nỗ lực chống tên lửa đạn đạo”, tuy nhiên nói rõ việc triển khai và thử nghiệm hệ thống là quyết định của chính phủ.
Vào giữa tuần trước, sau gần 3 tháng "yên ắng" khiến giới chức quốc phòng và tình báo Mỹ bối rối, Bình Nhưỡng thách thức Washington bằng vụ thử nghiệm tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay.
Mô phỏng công nghệ tên lửa Triều Tiên có thể tấn công tới lục địa Mỹ. Đồ hoạ: NYT. |
Triều Tiên tuyên bố đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong 15 mới, có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ.
Sau khi giám sát phóng thành công tên lửa Hwasong-15, nhà lãnh đạo Kim Jong Un "tự hào tuyên bố rằng giờ đây chúng ta cuối cùng đã hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hình thành hoàn chỉnh lực lượng hạt nhân quốc gia", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA cho hay.
Lầu Năm Góc cho hay tên lửa Triều Tiên vừa phóng bay xa 1.000 km và đạt độ cao đỉnh là 4.000 km. Tên lửa mới ước tính có tầm bắn lên tới 13.000 km và cũng bay lâu hơn đáng kể so với hai lần thử trước: 37 phút hôm 4/7 và 47 phút hôm 28/7.