Bà Emily Horne, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết hôm 25/4 rằng Mỹ sẽ để Ấn Độ ngay lập tức tiếp cận một số nguồn nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất vaccine Covishield. Covishield là vaccine AstraZeneca được sản xuất ở Ấn Độ.
"Mỹ đang làm việc ngày đêm để triển khai các nguồn lực và vật tư sẵn có", bà Horne nói trong thông cáo.
Bà Horne nói rằng bên cạnh nỗ lực thúc đẩy quá trình sản xuất vaccine ngừa Covid-19 ở Ấn Độ, Mỹ còn gửi kèm bộ kit xét nghiệm nhanh và máy thở đến quốc gia này.
"Ấn Độ đã hỗ trợ Mỹ trong đợt bùng phát dịch bệnh lần trước, chúng ta sẽ kiên quyết giúp đỡ Ấn Độ khi họ cần lúc này", Tổng thống Joe Biden viết trên Twiiter.
Tổng thống Mỹ cam kết giúp đỡ khi Ấn Độ cần. Ảnh: BBC. |
Cùng ngày, Anh và Pháp cũng cam kết cung cấp máy thở cho các bệnh viện Ấn Độ. Bệnh nhân Covid-19 ở đây đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt oxy nghiêm trọng, theo Guardian.
Der Spiegel dẫn nguồn tin Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố nước này đang chuẩn bị viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ sau những lời đề nghị hỗ trợ máy thở được gửi đến lực lượng vũ trang Đức.
Bên cạnh đó, AFP cho biết Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ sớm triển khai nguồn hỗ trợ của tổ chức, trong đó có máy thở và thuốc men, đến quốc gia Nam Á này.
Ông Anthony Fauci, một bác sĩ hàng đầu về dịch bệnh truyền nhiễm tại Mỹ, cho biết nhà chức trách nước này đang xem xét gửi đến Ấn Độ vaccine AstraZeneca mà Mỹ chưa sử dụng, theo ABC.
Quan chức y tế nước này cho biết Mỹ có đủ vaccine từ ba nhà cung cấp khác cho tất cả người Mỹ trong thời gian sắp tới. Các nhóm vận động hành lang ở đây đã kêu gọi chính quyền gửi loại vaccine này các quốc gia đang cần khác.
Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra phản hồi về thông tin này.
Trước đó, Mỹ đã hỗ trợ vacinne AstraZenneca cho Mexico vào tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Mỹ quan ngại các biến chủng virus corona mới xuất hiện ở Ấn Độ có thể làm tổn hại những tiến bộ đạt được ở Mỹ.
Bà Horne cũng nói thêm rằng Mỹ có thể gửi đội chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đến Ấn Độ.
Ngoài hỗ trợ trước mắt, Tập đoàn Tài chính Phát triển Mỹ (DFC) sẽ tài trợ mở rộng việc sản xuất vaccine Biological E của Ấn Độ. Nỗ lực này cho phép công ty sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 từ nay đến cuối năm 2022.
Trong một diễn biến liên quan, Hà Lan đã tuyên bố cấm mọi chuyến bay từ Ấn Độ do lo ngại tình trạng dịch bệnh.
Đợt bùng phát dịch bệnh lần này đe dọa nghiêm trọng khả năng phục hồi kinh tế của Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Tại đây, Thủ tưởng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi tất cả người dân nước này thận trọng và nhanh chóng tiêm ngừa vaccine.
Nước này đã xác lập kỷ lục về số ca lây nhiễm trong ngày hôm qua với con số gần 350.000 trường hợp mắc mới. Số ca tử vong trong vòng 24h vượt quá mốc 2.700 người.