Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ gửi cảnh báo đến TQ qua tập trận hải quân lớn nhất Thái Bình Dương

Danh sách tham gia RIMPAC 2020, diễn tập hải quân lớn nhất Thái Bình Dương, được thu hẹp đã hé lộ nhóm đồng minh và đối tác nòng cốt Mỹ sẽ dựa vào để đối trọng Bắc Kinh ở khu vực.

Đợt diễn tập hàng hải quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2020, do Mỹ dẫn đầu, chính thức bắt đầu vào ngày 17/8 ngoài khơi Hawaii. Quy mô diễn tập năm nay được thu gọn và đặc biệt là Trung Quốc không xuất hiện trong danh sách khách mời.

RIMPAC 2020 đặt mục tiêu cải thiện khả năng phối hợp hoạt động và quan hệ đối tác chiến lược. Trong danh sách diễn tập còn có tập trận tác chiến chống ngầm, hành quân ngăn chặn và rèn luyện bắn đạn thật.

Cuộc diễn tập trên biển lớn nhất thế giới được Mỹ tổ chức 2 năm/lần và sẽ kéo dài đến cuối tháng 8. Sự kiện năm nay chỉ có 10 nước tham gia với khoảng 20 tàu và hơn 5.000 nhân sự. Các hoạt động năm nay chỉ diễn ra trên biển và cắt giảm diễn tập đổ bộ quân sự. Đây là sự thu hẹp đáng kể về quy mô so với sự kiện năm 2018 có 25 nước tham gia.

tap tran hai quan lon nhat Thai Binh Duong anh 1

Tàu tác chiến đổ bộ USS Essex đến Trân Châu Cảng ngày 10/8 chuẩn bị cho RIMPAC 2020. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Diễn tập của nhóm nòng cốt

Sự kiện được tổ chức giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Cùng ngày khai mạc RIMPAC 2020, Bộ Thương mại Mỹ ra thêm lệnh hạn chế áp dụng cho tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc. Đây là đòn đánh mới sau một loạt động thái thương mại, quân sự và ngoại giao của Washington nhắm vào Bắc Kinh. Trước đó, Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc, trừng phạt một số quan chức, tập trận bắn đạn thật và áp lệnh cấm lên các công ty công nghệ của nước đối thủ.

Đây đã là lần thứ hai liên tiếp Trung Quốc không được mời dự RIMPAC. Mỹ lần đầu tiên mời hải quân Trung Quốc vào năm 2014 và lặp lại vào năm 2016. Tuy nhiên, đến RIMPAC 2018, Lầu Năm Góc bất ngờ hủy lời mời trước thềm sự kiện nhằm phản đối các động thái quân sự của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Không chỉ không mời Trung Quốc đến Hawaii, Mỹ tổ chức RIMPAC 2020 với quy mô thu hẹp còn là dấu hiệu cho thấy nước này cùng các lực lượng hải quân đối tác trên Thái Bình Dương sẽ mô phỏng những kịch bản đối phó Trung Quốc, theo nhận định của Nikkei Asian Review.

Truyền thông tại Hawaii cho biết phần lớn danh sách hải quân góp mặt năm nay là đối tác và đồng minh quốc phòng của Mỹ: Australia, Brunei, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Pháp, Philippines và Singapore. Washington có thể sẽ dựa vào nhóm nòng cốt này để đối trọng Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, sức tác động quân sự của Mỹ và tầm quan trọng của ngoại giao quốc phòng không suy giảm bất chấp đại dịch. Veerle Nouwens, chuyên gia tại Viện Hoàng gia Anh, cho rằng các nước vẫn "nhận thấy giá trị khi diễn tập chung với Mỹ, kể cả giữa giai đoạn dịch Covid-19".

"Những lực lượng hải quân đối tác trên khắp thế giới đều nhìn thấy giá trị thực tế lẫn hàm ý. Họ sẵn sàng và đủ sức tham gia các cuộc diễn tập trong giai đoạn bất thường này", ông nói.

"Ngoại giao quốc phòng phát huy hiệu quả nếu mục tiêu là xây dựng sự quen thuộc và tin cậy lẫn nhau. Khi tiến hành diễn tập hữu nghị, các lực lượng hải quân sẽ đạt được cả mục tiêu huấn luyện lẫn ngoại giao", ông nói.

"Có nhiều nước ở trong và ngoài châu Á cũng nhận ra giá trị từ những cuộc diễn tập hàng hải này, cũng như từ việc củng cố quan hệ đối tác và khả năng phối hợp hoạt động nhằm đảm bảo tự do trên biển và hành xử hàng hải chuyên nghiệp", Nouwens nhận định.

tap tran hai quan lon nhat Thai Binh Duong anh 2

Sĩ quan hải quân Trung Quốc đến Hawaii tham dự RIMPAC 2016. Ảnh: Honolulu Civil Beat.

Thông điệp cho Bắc Kinh

"Washington đang gửi tín hiệu rõ ràng đến Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc vì họ gia tăng hung hăng trên Biển Đông và những vùng khác thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND, nhận định.

Chuẩn đô đốc Sudarshan Shrikhande, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo hải quân Ấn Độ, đánh giá Trung Quốc không được mời đến RIMPAC 2020 không phải là chuyện bất ngờ.

"Có một số nhân vật tại Mỹ cũng không vui vẻ gì với những lần mời trước", vị chuẩn đô đốc giữ vai trò quan sát viên RIMPAC cho biết.

Chuẩn đô đốc Shrikhande đồng thời đánh giá "tâm trí của gần như mọi nước tham dự sẽ hướng về Trung Quốc" và cách hành xử "không thân thiện dưới mọi hướng nhìn nhận" của nước này.

Theo giới chuyên gia, sự thay đổi về thành viên và hoạt động tại RIMPAC 2020 cũng có phần tác động từ đại dịch Covid-19. RIMPAC đáng lẽ diễn ra vào mùa hè năm nay nhưng phải trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Hai năm trước, RIMPAC được tổ chức vào tháng 7.

Giai đoạn tháng 7 năm nay cũng là thời điểm Washington gửi đi những tín hiệu rất rõ đến Bắc Kinh về lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mike Pompeo công khai bác bỏ những tuyên bố trên biển của Bắc Kinh ở khu vực. Đồng minh của Mỹ là Australia cũng tuyên bố lập trường tương tự trong vấn đề Biển Đông.

"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang nhanh chóng trở thành không gian tranh chấp ảnh hưởng, với các tuyên bố ám muội và sự tranh giành từ Trung Quốc, cùng mức độ căng thẳng có lẽ chúng ta chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950", ông Shrikhande phân tích.

"Thế giới cần có lập trường quyết liệt và phối hợp hiệu quả để tạo sức ép ngoại giao, kinh tế, thông tin và quân sự lên Trung Quốc. Tốt nhất là duy trì một tình trạng cân bằng có thể chấp nhận được đối với một số quốc gia xung quanh Trung Quốc", ông nói.

Hải quân Mỹ công bố video tập trận trên Biển Đông Các hoạt động tập trận của nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông xuất hiện trong video mừng quốc khánh do Hải quân Mỹ công bố ngày 4/7.

Mỹ điều chỉnh cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2020

Hải quân Mỹ cho biết cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC 2020 chỉ diễn ra trên biển và không có sự kiện xã hội trên bờ, nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona.

Phi đội chiến đấu hộ tống tàu 3 nước Mỹ, Nhật, Australia tập trận

Hải quân Mỹ, Nhật và Australia đã tập trận trên Biển Philippines nhằm thể hiện sức mạnh của liên minh, tăng cường cam kết đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trong khu vực.

Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông hôm 14/8, gần một tháng sau cuộc tập trận chung với một hàng không mẫu hạm khác của Mỹ tại vùng biển chiến lược.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm