"Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo được lượng vaccine lớn trong thời gian sớm nhất có thể. Đội ngũ phụ trách vấn đề này đã thường xuyên liên lạc với mọi nhà sản xuất", bà Smith giải thích trong buổi họp báo tối 30/9, trước câu hỏi tại sao Mỹ chỉ mua vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer để tặng cho thế giới mà không mua của hãng khác.
"Pfizer là phía có khả năng nhất trong việc sản xuất quy mô lớn với tốc độ đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của chúng tôi", bà Smith nói. "Chúng tôi cũng cho rằng Pfizer là loại vaccine tuyệt vời, nhưng vấn đề mấu chốt là khả năng giao vaccine quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất".
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer sử dụng công nghệ mRNA. Ảnh: Bloomberg. |
Buổi họp báo được tổ chức hơn một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước này sẽ tài trợ thêm 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho các quốc gia, nâng tổng số vaccine Mỹ chia sẻ cho thế giới lên 1,1 tỷ liều.
Khi được Zing hỏi về lượng vaccine Pfizer mà Việt Nam sẽ được nhận trong số trên, ông Jeremy Konyndyk, Giám đốc điều hành lực lượng chuyên trách Covid-19 tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), nói chưa có số liệu cụ thể.
"Mục tiêu này hay thay đổi tùy vào những nguồn vaccine khác của nước được nhận và tùy vào cách chúng tôi cân bằng nhu cầu", ông Konyndyk nói.
Ông Konyndyk cho biết trong đợt phân bổ ban đầu, Mỹ cố gắng đảm bảo quốc gia nào có năng lực tiếp nhận Pfizer sẽ được nhận sớm vì những nước này có thể nhanh chóng tiêm vaccine.
"Với những nước khác, chúng tôi sẽ tăng dần số liều được chia sẻ khi khả năng tiếp nhận của họ được cải thiện", ông Konyndyk trả lời Zing. "Chúng tôi có lẽ sẽ giao các liều vaccine nói trên trong từ nay cho tới hết mùa hè năm 2022".
Số liều vaccine trên sẽ được phân phối thông qua cơ chế COVAX.
Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn tổng cộng 6 triệu liều vaccine do Mỹ tài trợ, bao gồm 5 triệu liều là vaccine Moderna, một triệu liều vaccine Pfizer.