Thỏa thuận này sẽ giúp các tàu của Đài Loan "duy trì trang thiết bị phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tế của nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, trong bối cảnh máy bay và tàu chiến Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh vùng biển và trên không thời gian gần đây", AFP dẫn lời Cơ quan phòng vệ Đài Loan.
Đài Bắc hôm 9/6 cho biết thêm thỏa thuận dự kiến có hiệu lực sau một tháng.
Trước đó, Mỹ hôm 8/6 đã phê duyệt thỏa thuận bán linh kiện, phụ tùng để thay thế và sửa chữa cho hệ thống tàu chiến của Đài Loan, cũng như "hỗ trợ kỹ thuật hậu cần".
"Thương vụ sẽ góp phần duy trì hạm đội tàu mặt nước của bên nhận, giúp họ tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai. Thỏa thuận cũng bảo đảm năng lực quân sự của bên nhận và tăng cường khả năng phối hợp với Mỹ cùng đồng minh", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc cho biết.
Một tàu chiến của Đài Loan cập cảng Corinto, Nicaragua vào năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Đây sẽ là lần bán vũ khí thứ tư của Mỹ cho Đài Loan dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, và là lần thứ ba trong năm nay.
Theo luật được Quốc hội thông qua, Mỹ buộc phải bán các vật tư quân sự cho Đài Loan để đảm bảo khả năng tự vệ trước lực lượng vũ trang mạnh hơn rất nhiều của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải chịu áp lực của lưỡng đảng trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Đài Loan, khi Washington đang củng cố ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để chống tham vọng của Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc cho biết họ kiên quyết phản đối các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Đài Loan, sau khi Đài Bắc và Washington tuyên bố khởi động sáng kiến mới nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế.
Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất. Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với đảo Đài Loan, song là bên cung cấp vũ khí lớn nhất để hòn đảo phòng thủ.