Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ đưa tên lửa đề phòng Triều Tiên, Trung Quốc phản đối

Việc Mỹ triển khai thêm các tên lửa Patriot đến Hàn Quốc nhằm đề phòng Triều Tiên, sau vụ nước này thử hạt nhân và phóng tên lửa, khiến Trung Quốc lo ngại.

THAAD có khả năng vô hiệu hóa mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của đối phương. Ảnh: BI

Hãng tin AP ngày 13/2 dẫn lời chỉ huy quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, một đơn vị tên lửa phòng không đến từ Texas đang tiến hành một cuộc diễn tập sử dụng tên lửa Patriot tại căn cứ không quân Osan, gần Seoul.

Trung tướng Thomas Vandal, tư lệnh Lực lượng chung Mỹ - Hàn, nói “những cuộc diễn tập này nhằm chứng tỏ chúng tôi sẵn sàng đối phó với mọi cuộc tấn công bất ngờ từ Triều Tiên”.

Vị tướng nhấn mạnh, việc Triều Tiên tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, đòi hỏi các liên minh phải luôn duy trì sự sẵn sàng và hoạt động hiệu quả của hệ thống tên lửa đạn đạo phòng thủ.

Giới truyền thông Hàn Quốc đã nhiều lần đưa tin rằng, Seoul và Washington đang xúc tiến triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc Triều Tiên phóng tên lửa vào cuối tuần qua đã trở thành cái cớ để Mỹ và Hàn Quốc chính thức công bố vấn đề này.

Terminal High Altitude Area Defense - THAAD (Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) là một hệ thống phòng thủ do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh và Moscow rất quan ngại việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc.

Tại hội nghị an ninh đang diễn ra ở Munich, Đức, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về các hành động đối phó với Triều Tiên. Ông Kerry đã đề cập đến hệ thống tên lửa này với ông Vương. Theo Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc đã nêu rõ, Bắc Kinh phản đối việc Mỹ triển khai THAAD đến Hàn Quốc.

“Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải hành động thận trọng, không tận dụng tình hình để gây nguy hại đến các lợi ích an ninh của Trung Quốc, cũng như không tạo thêm nhân tố gây ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực”, ông Vương Nghị nói.

Về việc Bắc Kinh ủng hộ các cấm vận mới do Hội đồng Bảo an áp đặt lên Triều Tiên, ông Vương Nghị cho biết quan điểm của Trung Quốc là trừng phạt không phải giải pháp. “Chúng ta cần suy nghĩ đến những cách tái khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của tất cả các bên, bao gồm Trung Quốc và Mỹ”.

Ngày 7/2, truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Vụ việc vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Hạ viện Mỹ thông qua lệnh tăng cường trừng phạt Triều Tiên

Với tỷ lệ đồng thuận áp đảo (402 thông qua, 2 chống), Hạ viện Mỹ ngày 12/2 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau những vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm