Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng ngày 7/2. Ảnh: KCNA |
Các biện pháp trừng phạt mới nhằm tiếp tục gây sức ép tài chính lên Triều Tiên, qua việc ngăn chặn triệt để rửa tiền và buôn bán ma tuý. Đây là hai hành vi bất hợp pháp mang lại nguồn lợi hàng triệu USD cho nước này.
Bên cạnh đó, dự luật cũng tịch thu và phong toả tài sản, cấm đi lại và mọi hoạt động làm ăn với Triều Tiên. Lần đầu tiên, dự luật thiết lập khung các biện pháp trừng phạt để đối phó với mối đe doạ an ninh mạng từ Triều Tiên.
Trước đó, vào ngày 11/2, Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự luật này. Sau khi được lưỡng viện quốc hội thông qua, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Barack Obama. Nguồn tin Nhà Trắng cho biết, ông Obama sẽ sớm phê chuẩn để nó chính thức có hiệu lực.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 12/2 cho hay, Bắc Kinh ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm khiến Triều Tiên “trả giá tất yếu” sau vụ phóng tên lửa gần đây.
“(Chúng tôi) ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có những bước tiến xa hơn và áp dụng nghị quyết mới nhằm khiến Triều Tiên trả giá tất yếu, cũng như thấy rõ hậu quả từ các hành động của họ”, ông Vương nói. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, mục tiêu cuối cùng vẫn là đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Ngày 7/2, truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Vụ việc vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Hội đồng Bảo an đã họp khẩn để bàn về vụ phóng. Quan chức Mỹ ngày 9/2 xác nhận, vệ tinh Quang Minh Tinh 4 của Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo ổn định quanh trái đất, tuy nhiên nó được cho là chưa truyền bất kỳ dữ liệu nào về trung tâm quan sát trên mặt đất.