Giới chức Mỹ khẳng định chiến hạm USS Taylor tới Biển Đen nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuyên bố của Hải quân Mỹ hôm 22/4 nói rõ: “Các hoạt động thường xuyên của chiến hạm Mỹ ở Biển Đen phù hợp với Công ước Montreux và luật pháp quốc tế. Nhiệm vụ của USS Taylor là trấn an các đồng minh NATO”.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mỹ vi phạm Công ước Montreux, bao gồm các điều khoản hạn chế sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen cũng như thời gian tối đa mỗi chiếc được phép ở vùng biển (21 ngày).
Chiến hạm USS Taylor của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Công ước Montreux mà các nước ký kết năm 1936 cấm tàu chiến của các quốc gia không thuộc vùng Biển Đen di chuyển qua hai eo biển Dardanelles và Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. USS Taylor tới khu vực này từ đầu tháng 2 nhằm hỗ trợ Nga đảm bảo an ninh cho Thế vận hội mùa đông ở Sochi.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, USS Taylor rời khỏi khu vực. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ thông báo tàu gặp sự cố chân vịt sau khi mắc cạn, khiến nó phải ở lại để sửa chữa. Tính tới thời điểm hiện tại, USS Taylor đã hiện diện ở khu vực quá 11 ngày so với quy định của Công ước Montreux.
Trước đó, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch đưa 600 binh sĩ tới Ba Lan và các nước Baltic để hỗ trợ các đồng minh NATO. Đây là động thái nhằm đề phòng bất trắc sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga.
Phó đô đốc John Kirby, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, nói: “Các binh sĩ Mỹ tới khu vực này để tham gia các cuộc tập trận bộ binh. Mỹ coi trọng nghĩa vụ theo điều 5, Hiến chương NATO dù đây không phải là kế hoạch tập trận của khối. Nó là minh chứng cho cam kết bảo đảm an ninh ở châu Âu của chúng tôi”.