Trụ sở của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Ủy ban Truyền Thông liên bang (FCC) và Bộ Tư pháp Mỹ cùng xác nhận sự tồn tại của mạng vô tuyến bí mật trong chương trình phát thanh ở hơn 10 thành phố của Mỹ, bao gồm Washington, Philadelphia, Boston, Houston và San Francisco.
“FCC sẽ bắt đầu điều tra sự việc xung quanh vấn đề sở hữu nước ngoài và sự vi phạm luật sở hữu nước ngoài”, Neil Grace, phát ngôn viên của FCC, nói.
Công ty California có chủ sở hữu là James Su, một công dân nhập tịch Mỹ gốc Thượng Hải, Trung Quốc. 60% cổ phần trong công ty của Su thuộc về một công ty con của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), thuộc sự điều hành của chính phủ Trung Quốc.
FCC không hạn chế nội dung phát trên đài phát thanh Mỹ, trừ những bản tin vi phạm quy tắc như không đứng đắn, tuyên truyền chính trị. Theo luật của Mỹ, FCC cấm chính phủ nước ngoài hoặc đại diện chính phủ nước ngoài sở hữu giấy phép một đài phát thanh của Mỹ. Cá nhân, chính phủ hay các tập đoàn ngoại quốc chỉ được phép nắm giữ 20-25% cổ phần tại các đài phát thanh.
Thông qua một loạt công ty trách nhiệm hữu hạn khác nhau, Su sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê hầu hết thời lượng phát thanh của hơn 10 đài phát thanh khác nhau của Mỹ.
Các chương trình tin tức trên các đài mà CRI hậu thuẫn hầu hết liên quan đến chính phủ Trung Quốc, bao gồm vấn đề quân sự trên Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 2/11, phát ngôn viên của Su từ chối bình luận. Trước đó, ngày 16/9, Su khẳng định mạng lưới phát thanh của ông tuân thủ luật pháp Mỹ bởi ông chỉ thuê thời lượng phát thanh từ các đài chứ không sở hữu đài.
Một quan chức Mỹ cho biết, Bộ Tư pháp bắt đầu cuộc điều tra vào tháng trước. Sau khi giới truyền thông đưa tin, công ty của Su xóa hai trang web cho thấy mối quan hệ giữa công ty của ông với CRI.
Mạng lưới phát thanh của Su dưới sự hậu thuận của CRI tại Mỹ là một trong 3 mạng lưới quốc tế có sự liên kết bí mật về tài chính với đài phát thanh Trung Quốc. Ít nhất 33 đài phát thanh tại 14 quốc gia thuộc mạng lưới toàn cầu của CRI.