Cảnh sát canh gác bên ngoài trụ sở công ty luật Mossack-Fonseca, tâm điểm của vụ rò rỉ tài liệu Panama. Ảnh: Reuters |
Luật sư vùng Manhattan Preet Bharara đã gửi thư đến Ủy ban các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) để yêu cầu cung cấp thêm thông tin nhằm hỗ trợ quá trình điều tra, theo báo Guardian.
Người phát ngôn của luật sư Bharara hiện từ chối bình luận về thông tin này.
Vụ điều tra diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama miêu tả những tiết lộ chấn động từ vụ rò rỉ là một vấn đề quan trọng, qua đó cho thấy sự trầm trọng của nạn trốn thuế toàn cầu. "Vấn đề ở chỗ, phần lớn các phi vụ này đều có vỏ bọc hợp pháp", ông Obama nói.
Nội dung bức thư được cho là đề nghị hỗ trợ quá trình điều tra trốn thuế của Mỹ. Ảnh: Guardian |
Ông Bharara là người đứng đầu cơ quan tư pháp quận phía nam của New York. Ông cũng là người đã dẫn đầu nhiều cuộc điều tra quy mô chống lại những sai phạm trong ngành tài chính.
Một số nhân vật bị nêu tên trong Tài liệu Panama cũng là đối tượng mà ông Bhrara đang điều tra, như nhà tài chính phố Wall Benjamin Wey. Wey bị cáo buộc gian lận chứng khoán, âm mưu rửa tiền...
“Tài liệu Panama” là 11,5 triệu tài liệu của công ty Mossack Fonseca bị rò rỉ cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức tại nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia cũng như doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...
Vụ việc gây sức ép lên hàng loạt các chính trị gia bị nêu tên đích danh, hoặc có người thân liên quan đến các âm mưu trốn thuế.
Ngày 7/4, công tố viên Argentina đã mở cuộc điều tra về các giao dịch tài chính ở nước ngoài của tổng thống nước này, ông Mauricio Macri.
Trước đó, vào ngày 5/4, Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson trở thành lãnh đạo đầu tiên phải từ chức vì vụ Tài liệu Panama.
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin…