Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Ralph Johnson đi vào gần một loạt đảo nhân tạo của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngày 14/7, theo Navy Times.
Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp một số điểm, quân sự hóa và tôn tạo trái phép trong những năm qua.
Trong thông cáo, Hạm đội 7 của Mỹ nói chuyến tuần hành của tàu Ralph Johnson nhằm “ủng hộ quyền, sự tự do, và việc dùng biển một cách hợp pháp theo luật quốc tế”.
Tàu khu trục Ralph Johnson trong bức ảnh hồi tháng 5. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
“Chừng nào còn có nước tiếp tục ra yêu sách và muốn giới hạn quyền (của nước khác) vượt quá phạm vi được luật quốc tế cho phép, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền và sự tự do trên biển được bảo đảm cho tất cả”, Hạm đội 7 cho biết
“Không thành viên nào của cộng đồng quốc tế phải cảm thấy bị đe dọa hay bị áp lực từ bỏ quyền và sự tự do của mình”.
Trước đó, chính quyền Trump ngày 13/7 đã bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một thông cáo bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố mạnh mẽ.
“Mỹ đứng bên các đối tác và đồng minh ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ trong luật quốc tế. Chúng tôi đứng bên cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền, đồng thời bác bỏ mọi nỗ lực áp đặt ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’ ở Biển Đông hay trong khu vực”.
Bước ngoặt về chính sách vào ngày 13/7 nói trên diễn ra sau khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay, cùng một máy bay ném bom B-52, hoạt động ở Biển Đông đầu tháng này.
James Chin, người đứng đầu Học viên châu Á tại Đại học Tasmania, Australia, nói: “Cái mới ở đây là ông Trump đã biến Biển Đông thành tâm điểm mới trong việc đối đầu với Trung Quốc”.