Phi cơ tàng hình F-22 Raptor. Ảnh: terminalx.org |
6 phi cơ F-22 của Mỹ đã tham gia cuộc tập trận Cope Taufan 2014, The Washington Times đưa tin. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng F-22 trong các cuộc tập trận định kỳ hai năm một lần với Malaysia.
Washington coi Malaysia là một mắt xích quan trọng trong nỗ lực tăng cường, củng cố liên minh và quan hệ với Đông Nam Á. Tầm quan trọng của Malaysia thể hiện qua việc đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc điều F-22 tới khu vực. Trước đó chúng mới chỉ xuất hiện ở Đông Bắc Á. Mỹ cũng từng chọn Hải quân Malaysia làm đối tác cho hoạt động tập luyện các chiến hạm cân duyên hiện đại mới mà họ triển khai tại Singapore.
Malaysia, một trong những đối tác kín đáo nhất của Mỹ trong khu vực, muốn dựa vào Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Trong những cuộc tiếp xúc riêng, Kuala Lumpur từng cảnh báo chủ trương gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông trong tranh chấp lãnh hải.
Phản ứng ầm ĩ của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã hiểu thông điệp mà 6 chiến đấu cơ F-22 mang tới.
Giới chức Mỹ nhận định Trung Quốc coi việc phi đội F-22 tới Malaysia là cơ hội để hõ hiểu rõ khả năng chiến đấu của phản lực cơ Su-30 mà Malaysia mua từ Nga, tương tự như những chiếc Su-30 của Trung Quốc. Hiểu biết ấy sẽ trở nên hữu ích nếu Trung Quốc phải đối phó với máy bay chiến đấu của Malaysia trong tương lai.
Bắc Kinh cũng tin rằng các hoạt động trong cuộc tập trận sẽ cho phép phi đội F-22 của họ tới các địa điểm chiến lược gần bờ biển của Trung Quốc. Lầu Năm góc đặt căn cứ tạm thời của F-22 ở Đông Bắc Á nhưng việc triển khai ở vùng Đông Nam Á là động thái hoàn toàn mới. Trước đây F-22 chỉ xuất kích từ căn cứ tại Hawaii, Mỹ để tới Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam.
Báo chí Trung Quốc cũng lo ngại rằng các máy bay F-22 tại Malaysia - hoạt động từ căn cứ không quân Butterworth – sẽ tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ nếu họ tấn công Mỹ trong tương lai. Một số quan chức quốc phòng Mỹ nói ưu điểm lớn nhất của F-22 là khả năng thực hiện chuyến bay tầm xa với tốc độ cao và lượng vũ khí lớn. Đó là yếu tố cần thiết để Lần Năm Góc có thể đánh bại Trung Quốc một cách nhanh chóng nếu xung đột nổ ra. Theo toan tính của Washington, F-22 có thể tấn công các mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm những trung tâm chỉ huy, cơ sở quân sự ngầm, căn cứ tên lửa, kho dầu và hệ thống lưới điện.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chiến tranh của Mỹ nên nhớ rằng khả năng chống phi cơ tàng hình của hệ thống phòng không của Trung Quốc đang tăng dần. Hồi tháng 6, Nga thông báo họ sẽ bán cho Trung Quốc hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa S-400. Giới chuyên môn coi S-400 là hệ thống phòng không tiên tiến nhất hành tinh.