Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ đi ngược xu hướng toàn cầu về quyền phá thai

Từng là quốc gia tiên phong trong hợp pháp hóa việc phá thai, song Mỹ đã đi ngược xu hướng toàn cầu trong 30 năm qua khi Tòa án Tối cao lật lại vụ kiện Roe v. Wade ngày 24/6.

Sau phán quyết năm 1973 về vụ kiện Roe v. Wade, Mỹ trở thành một trong những nước đi đầu về hợp pháp hóa luật phá thai, với nhiều quốc gia khác cũng áp dụng quyền phá thai những thập niên sau đó.

Tuy vậy, với quyết định từ Tòa án Tối cao Mỹ ngày 24/6, nước này đã lật ngược một tiền lệ đã tồn tại 50 năm, qua đó cùng số ít quốc gia trên thế giới thắt chặt luật phá thai trong những năm gần đây.

Mặc dù một số quốc gia đảo ngược luật này trong thời gian qua, những phân tích từ Foreign Policy cho thấy xu hướng toàn cầu về trao quyền tự do về sinh sản cho phụ nữ vẫn tăng, khiến quyết định của Tòa án Tối cao ngày 24/6 làm Mỹ thành một nước “ngoài cuộc”.

Nhiều quốc gia vẫn còn cấm phá thai, nhưng mở rộng cách tiếp cận và cho phép trong trường hợp ngoại lệ như bị cưỡng hiếp hay phá thai để cứu sống thai phụ.

Trong 30 năm qua, 59 quốc gia mở rộng việc tiếp cận phá thai, trong khi 11 quốc gia khác thắt chặt những quy định về quyền sinh sản của phụ nữ.

my lat lai quyen pha thai anh 1

Xu hướng hợp pháp hóa hay thắt chặt luật phá thai trên thế giới kể từ năm 1990. Đồ họa: Foreign Policy.

Mỹ Latin

Khu vực Mỹ Latin đã có những thay đổi đáng kể trong bối cảnh luật trước đây không có ngoại lệ cho việc phá thai, kể cả trường hợp bị cưỡng hiếp hay loạn luân.

Việc duy trì luật cấm phá thai chặt chẽ biến khu vực này thành nơi duy nhất có tỷ lệ bé gái dưới 15 tuổi phải sinh con gia tăng, khiến dư luận phản ứng dữ dội.

Áp lực lên quyền sinh sản tại Mỹ Latin là một phần của các phong trào nữ quyền liên kết với các đảng cánh tả. Argentina năm 2020 đã hợp pháp hóa việc phá thai khi thai kỳ ít hơn 14 tuần.

Trong khi đó, Quốc hội Chile phủ quyết việc phá thai với kết quả sát nút, song nhiều nhà vận động vẫn muốn cơ quan lập pháp nước này dùng dự thảo Hiến pháp để biến việc phá thai trở thành quyền con người.

Những quốc gia khác trong khu vực cũng thực hiện từng bước nhỏ. Mexico đã công nhận việc phá thai vào tháng 9/2021, dù chưa hợp pháp hóa toàn quốc.

Ecuador công nhận phá thai nhưng dưới các trường hợp cụ thể như cưỡng hiếp. Nước này cũng có quy định về thời gian phá thai khác nhau, chẳng hạn phụ nữ nông thôn được phép phá thai trong 16 tuần đầu thai kỳ, so với phụ nữ thành thị là 12 tuần.

Châu Âu

Hơn 80% quốc gia châu Âu hợp pháp hóa hoặc công nhận phá thai, một số quốc gia tăng cường tiếp cận phá thai từ năm 1990.

Việc công nhận đã phổ biến từ giữa thế kỷ trước, nhưng mỗi quốc gia vẫn có yêu cầu về thời gian thai kỳ và giám sát y tế.

Diễn biến đáng chú ý gần đây là tại Ireland năm 2018, khi cử tri đã trưng cầu dân ý bỏ lệnh cấm phá thai trong hiến pháp - được đưa ra vào năm 1983.

Một số quốc gia nhỏ như Andorra hay Malta vẫn cấm phá thai, nhưng người dân có thể di chuyển đến các nước láng giềng để phá thai hợp pháp.

Trường hợp đi ngược với phần lớn châu Âu rõ ràng nhất là Ba Lan - quốc gia cấm phá thai hầu hết trường hợp từ năm 1993 - khi tòa án nước này đã chặn một nỗ lực năm 2021 về việc hợp pháp hóa việc phá thai.

Dù lệnh cấm phá thai vẫn còn hiệu lực, tác động chính trị từ phong trào ủng hộ phá thai tại Ba Lan đã khá rõ ràng, theo nhà sử học Joy Neumeyer. Đồng thời, một phong trào nữ quyền đang phát triển có thể thúc đẩy thay đổi luật một lần nữa.

my lat lai quyen pha thai anh 2

Biểu tình tại Ba Lan hồi tháng 1/2021 sau khi nước này thắt chặt việc phá thai. Ảnh: DW.

Châu Phi

Châu Phi vẫn là lục địa có tỷ lệ phá thai hợp pháp thấp nhất, với phần lớn quốc gia vẫn duy trì luật lệ từ thời thuộc địa. Những lệnh cấm vẫn được duy trì do các nhà chính trị xu hướng bảo thủ và ảnh hưởng ngày càng tăng của tôn giáo tại châu lục.

Tuy vậy, nhiều quốc gia đã áp dụng luật mới trong những năm 2000 và 2010. Dù không công nhận phá thai, các nước đã đưa ra ngoại lệ trong trường hợp bị cưỡng hiếp, loạn luân hay để cứu sống thai phụ.

Những nhà vận động tiếp tục thúc đẩy việc cải cách, song họ không khỏi lo ngại quyết định mới nhất từ tòa án Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình vận động quyền phá thai tại châu Phi.

Chỉ có 4 nước - gồm Zambia, Cape Verde, Nam Phi và Tunisia - cho phép phá thai, với thời hạn thai kỳ là 12 tuần, trong đó luật của Nam Phi được ban hành năm 1996 đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ.

Châu Á - Thái Bình Dương

Phần lớn người châu Á có quyền phá thai. Tại Trung Quốc, nhiều người buộc phải phá thai trong giai đoạn nước này áp dụng chính sách một con nghiêm ngặt vào những năm 1980.

Trong khi đó, Ấn Độ có nhiều báo cáo trong việc cưỡng ép triệt sản, đặc biệt nhắm vào người nghèo và tầng lớp thấp. Song nước này đã tiếp cận phá thai rộng rãi kể từ năm 1971, hợp pháp hóa và mở rộng nguồn vốn hỗ trợ phá thai trong 30 năm qua.

my lat lai quyen pha thai anh 3

Người dân Hàn Quốc vui mừng sau khi nước này dỡ bỏ lệnh cấm phá thai năm 2020. Ảnh: Time.

Việc công nhận phá thai tại Hàn Quốc và Thái Lan muộn hơn, lần lượt vào năm 2020 và 2021. Trong khi đó, Triều Tiên được cho là cấm phá thai do lo ngại nhân khẩu học giảm sút.

Những nơi cấm phá thai khác ở châu Á phần lớn do yếu tố tôn giáo. Hầu như không quốc gia Trung Đông nào hợp pháp hóa phá thai, ngoại trừ Israel.

Điều tương tự cũng xảy ra tại Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới, hay Pakistan - một trong những nước có tỷ lệ phá thai bất hợp pháp cao nhất thế giới.

Tổng thống Biden: 'Đây là ngày buồn của nước Mỹ' Tổng thống Joe Biden ngày 24/6 cho biết việc Tòa án Tối cao lật lại phán quyết bảo vệ quyền phá thai Roe v. Wade đã đưa nước Mỹ quay về 150 năm trước.

'Bước ngoặt' gây rung chuyển nước Mỹ

Phán quyết đảo ngược quyền phá thai được cảnh báo sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử của nước Mỹ, báo hiệu một thời kỳ biến động và chia rẽ mới bắt đầu.

'Cú lừa' của thẩm phán Tòa Tối cao với nghị sĩ Mỹ

Trước khi được phê chuẩn, một số thẩm phán tối cao Mỹ từng hứa hẹn tuân thủ tiền lệ mà phán quyết Roe v. Wade đã đặt ra. Nhưng rồi họ làm điều hoàn toàn ngược lại.

Trần Hoàng

Theo Foreign Policy

Bạn có thể quan tâm