Một ngày tháng 8/2018, Thượng nghị sĩ Susan Collins của đảng Cộng hòa gặp riêng ứng viên thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ Brett Kavanaugh. Bà Collins dành suốt 2 tiếng để căn vặn vì sao bà có thể tin tưởng ông Kavanaugh sẽ không lật ngược phán quyết Roe v. Wade nếu được phê chuẩn.
Ông Kavanaugh quả quyết mình không phải mối đe dọa đối với Roe v. Wade - phán quyết cột mốc từ năm 1973 rằng quyền phá thai là một quyền cơ bản.
“Roe đã 45 tuổi. Nó đã được tái khẳng định nhiều lần, nhiều người rất quan tâm tới nó”, ông Kavanaugh nói, theo ghi chép của nhiều nhân viên có mặt trong cuộc gặp. “Tôi là loại thẩm phán không muốn thay đổi hiện trạng. Tôi tin vào sự ổn định”.
Bị thuyết phục, bà Collins đã góp một phiếu giúp ông Kavanaugh được phê chuẩn trở thành thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ trong lần bỏ phiếu sát nút tại thượng viện. Nhưng hôm 24/6 vừa qua, ông Kavanaugh là một trong 5 thẩm phán bỏ phiếu lật ngược phán quyết mà ông từng hứa sẽ bảo vệ.
Thượng nghị sĩ Susan Collins (trái) và thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ Brett Kavanaugh - khi ấy là ứng viên được ông Trump đề cử và đang chờ thượng viện phê chuẩn - vào năm 2018. Ảnh: New York Times. |
Cảm thấy bị lừa dối
Việc ông Kavanaugh dường như “quay xe” khiến bà Collins và Thượng nghị sĩ Joe Manchin - người cũng bỏ phiếu phê chuẩn ông Kavanaugh - tức giận vì cảm thấy bị lạm dụng lòng tin.
“Tôi cảm thấy bị lừa dối”, bà Collins nói, thêm rằng phán quyết hôm 24/6 hoàn toàn đi ngược lại sự đảm bảo mà bà nhận được khi nói chuyện riêng với thẩm phán Kavanaugh.
Ông Manchin, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ duy nhất bỏ phiếu phê chuẩn ông Kavanaugh, cũng có thái độ tương tự đối với thẩm phán Neil Gorsuch - người từng có tuyên bố mạnh mẽ về việc tuân thủ tiền lệ trong buổi điều trần phê chuẩn hồi năm 2017.
“Tôi đã tin lời thẩm phán Gorsuch và thẩm phán Kavanaugh khi họ nói rằng đối với họ, Roe v. Wade là án lệ đã định. Tôi thấy đáng báo động khi họ quyết định phá vỡ sự ổn định mà phán quyết ấy mang lại cho 2 thế hệ người Mỹ”, ông Manchin - một người chống phá thai - nói.
Cảm giác bị lừa dối của hai thượng nghị sĩ chỉ càng làm nổi bật thêm tính trình diễn của quá trình thượng viện phê chuẩn ứng viên thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ sau khi có đề cử từ tổng thống.
Tòa Tối cao Mỹ bỏ phiếu lật ngược phán quyết Roe v. Wade vào ngày 24/6 với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống. Ảnh: New York Times. |
Trong quá trình ấy, các thượng nghị sĩ sẽ đặt nhiều câu hỏi về stare decisis - nguyên tắc tuân thủ những gì đã được quyết định - cũng như về cam kết tôn trọng tiền lệ của ứng viên. Các ứng viên sẽ chỉ nói vừa đủ để thượng nghị sĩ có thể bỏ phiếu, căn cứ theo đảng phái của vị tổng thống đề cử.
Quá trình phê chuẩn như trên thường không làm phát sinh sự phản đối dữ dội. Nhưng khi phán quyết hôm 24/6 xóa bỏ tiền lệ gần 50 năm tuổi và để lại hệ quả sâu rộng, những lời hứa hẹn trung thành với tiền lệ của một số thẩm phán tòa tối cao Mỹ dần trở nên giống như “sự lừa dối”, theo lời Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của đảng Dân chủ.
“Tôi không còn chút tôn trọng nào đối với một số thẩm phán khi xét đến những gì họ từng nói với chúng tôi trong các buổi điều trần phê chuẩn”, ông Blumenthal nói. “Mức tín nhiệm của họ không chỉ chạm gần mốc 0 với chúng tôi mà còn với người dân Mỹ”.
Những lời nói sáo rỗng?
Một số người trong giới pháp lý Mỹ cho rằng chính trị gia và người trong ngành tòa án có cách nhìn nhận khác nhau về tiền lệ. Và theo họ, tiền lệ không phải điều bất biến.
Đó cũng chính là một trong những lập luận được thẩm phán Kavanaugh đưa ra trong lúc nêu ý kiến về Dobbs v. Jackson, phán quyết đã lật ngược Roe v. Wade.
“Việc tuân theo tiền lệ đã trở thành thông lệ, và stare decisis đã đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho tòa án này khi muốn lật ngược tiền lệ”, ông Kavanaugh viết. “Tuy nhiên, lịch sử cho thấy stare decisis không phải tuyệt đối và chắc chắn là không thể tuyệt đối”.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của đảng Cộng hòa, người đóng vai trò to lớn trong việc giúp tòa tối cao có cơ cấu thành phần như hiện nay, cho rằng những ứng viên thẩm phán mà ông giúp bổ nhiệm dưới thời Trump không thất hứa với thượng viện.
Người biểu tình bên ngoài Tòa Tối cao Mỹ sau khi phán quyết lật ngược Roe v. Wade được công bố hôm 24/6. Ảnh: New York Times. |
“Tiền lệ quan trọng nhưng tôi không nghĩ là bất cứ ai trong số các ứng viên này từng hứa rằng họ sẽ không bao giờ lật ngược tiền lệ”, ông McConnell nói. “Đôi khi tiền lệ cần bị hủy bỏ”.
Nhiều người cho rằng ông Robert Bork là ứng viên cuối cùng có cuộc trao đổi sâu với thượng nghị sĩ về cách ông sẽ làm việc trên ghế thẩm phán tối cao. Việc ông Bork sau đó bị từ chối phê chuẩn vào năm 1987 được cho là do ông quá thẳng thắn.
Từ đó trở đi, các ứng viên trở nên thận trọng và tuân theo nguyên tắc không thể hiện rõ lập trường cá nhân. Chẳng hạn, thẩm phán tối cao John Robert trong cuộc điều trần năm 2005 từng nói ông sẽ như người trọng tài trong bóng chày. “Việc của tôi là phân xử, không phải vung gậy đánh bóng”, ông nói.
Nhưng khi hình bóng tòa tối cao ngày càng hằn lên các cuộc đấu chính trị, câu hỏi được đặt ra là điều này sẽ có tác động gì đến những buổi điều trần ứng viên thẩm phán trong tương lai và các nhà lập pháp sẽ phản ứng ra sao khi họ cảm thấy mình bị lừa dối.
Một số người cho rằng đã đến lúc phải thay đổi.
“Những buổi điều trần ấy đến lúc này là sự xúc phạm đối với trí tuệ của mọi người”, ông Brian Fallon, người đứng đầu nhóm vận động cải cách Tòa Tối cao Mỹ, nói. “Việc chấp nhận để các ứng viên đưa ra câu trả lời sáo rỗng là tàn tích từ thời tòa án được cho là ở trên chính trị. Thời đại ấy đã qua từ lâu rồi”.