Đó là một khoảnh khắc đáng mừng hiếm hoi trong thời điểm khốn khó: chiếc máy bay Boeing 767 của đội bóng New England Patriots hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Logan tại Boston ngày 2/4 với một lượng lớn khẩu trang y tế cho các nhân viên y tế tuyến đầu, những người đang nỗ lực từng giây để cứu người, đang rất thiếu thốn.
Trước đó, chính quyền Massachusetts đã đặt mua khẩu trang cho các bệnh viện ở bang này, và thống đốc bang, ông Charlie Baker đã nhờ được sự giúp đỡ của tỷ phú Robert Kraft, chủ tịch đội bóng New England Patriots, người sẵn sàng phái máy bay riêng của đội bóng tới Trung Quốc để nhận lô hàng và mang tới Logan.
Câu chuyện này nhanh chóng gây lay động khắp thế giới khi các bệnh viện và chính quyền bang và địa phương đang cố gắng khắc phục tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ y tế nghiêm trọng.
Nhưng giống như rất nhiều thứ khác trong đại dịch toàn cầu này, thực tế dường như luôn phức tạp hơn.
“Không phải tiêu chuẩn vàng”
Dù nhiệm vụ này đã được tính toán và thực hiện cẩn thận, một phần và có thể là phần nhiều trong số một triệu khẩu trang trên máy bay này không phải là khẩu trang loại N95 tiêu chuẩn mà các nhân viên y tế đeo khi điều trị bệnh nhân virus corona. Thay vào đó, chúng là phiên bản Trung Quốc được gọi là khẩu trang KN95 mà một số bệnh viện ở Boston và nhiều nơi khác đã từ chối sử dụng và tới giờ phút này vẫn lưỡng lự về chúng.
Chính quyền bang Massachusetts đã không trả lời câu hỏi rằng những thứ trên máy bay là gì hay chúng được phân phối như thế nào, mặc dù người điều hành một bệnh viện địa phương cho biết có thể một nửa lô hàng đã được gửi đến các viện dưỡng lão trong khu vực.
Máy bay Boeing 767 của đội bóng New England Patriots hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Logan tại Boston ngày 2/4, mang theo hơn 1 triệu khẩu trang y tế. Ảnh: AP. |
N95, loại khẩu trang tiêu chuẩn được sử dụng tại tất cả bệnh viện trên toàn thế giới có bệnh nhân Covid-19, đã trở thành mặt hàng y tế thiết yếu vô cùng khan hiếm, đặc biệt là ở Mỹ, tâm dịch căng thẳng nhất hiện này với số ca nhiễm kỉ lục 587.000 người và hơn 23.000 ca tử vong tính tới ngày 14/4.
Bang Massachusetts đã chi ngân sách mua 1,4 triệu khẩu trang y tế “được FDA và CDC phê duyệt”, lô hàng này sau đó được hỗ trợ về vận tải bởi gia đình ông Robert Kraft để chuyển từ Trung Quốc về Mỹ, trước khi một phần trong lô này được phát hiện là KN95.
Về cơ bản, khi khẩu trang KN95 được sản xuất theo tiêu chuẩn, được chứng thực và kiểm tra đúng cách, chúng được coi là có hầu hết, nếu không nói là tất cả, các tính chất bảo vệ của N95. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm liên bang Mỹ (FDA) vào ngày 3/4 vừa qua đã ban hành một ngoại lệ đối với quy định nghiêm ngặt về khẩu trang y tế, tuyên bố rằng họ “sẽ không phản đối” việc sử dụng KN95 “trong suốt đại dịch”.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã chấp nhận KN95 là sản phẩm thay thế phù hợp khi thiếu nguồn cung N95.
Tuy nhiên, dù hai loại khẩu trang dường như có hiệu quả tương tự nhau, KN95 không được chứng nhận bởi Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Mỹ. Đó là chưa kể đến nỗi lo về khẩu trang giả tràn lan, khiến nhiều bác sĩ lo ngại chúng sẽ khiến các nhân viên y tế gặp nguy hiểm.
“Khẩu trang này không phải tiêu chuẩn vàng”, tờ Boston Globe trích lời Maryanne Bombaugh, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Massachusetts trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi biết khẩu trang N95. Chúng tôi biết rõ chúng có hiệu quả tốt như thế nào, chúng lọc những thứ gì và độ an toàn đã được chứng thực của chúng”.
"Chúng tôi biết những chiếc khẩu này (KN95) có khác biệt”, ông Bombaugh nói.
Ann Scales, phát ngôn viên của Sở Y tế Công cộng Massachusetts, đã thừa nhận trong một email đến Boston Globe tuần trước rằng lô hàng được vận chuyển bởi máy bay nói trên có khẩu trang KN95, mặc dù cô từ chối cho biết chúng chiếm bao nhiêu phần trăm.
Dù hai loại khẩu trang dường như có hiệu quả tương tự nhau, KN95 không được chứng nhận bởi Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Mỹ. N95 vẫn là tiêu chuẩn của khẩu trang y tế dành cho nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân mang virus dễ lây lan. Ảnh minh họa: AP. |
“Những khẩu trang trong lô hàng này, N95 và KN95, đã được kiểm tra khi tới nơi và được FDA thông qua để sử dụng cho các nhân viên y tế”, email viết.
Một số bệnh viện và nhân viên y tế vẫn cảnh giác, lo ngại rằng khẩu trang KN95 sẽ cần được kiểm nghiệm thêm và có thể không khít đúng cách để bảo vệ tối đa.
Shuhan He, một bác sĩ hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, cho biết trong khi ông tin KN95 hoạt động tương tự như N95 và không có vấn đề gì trong việc tặng nó cho mục đích sử dụng cá nhân - ví dụ như chăm sóc một người thân bị Covid-19 ở nhà - ông không chắc sẽ dùng nó trong môi trường bệnh viện. Ông He là người đồng sáng lập GetUsPPE, một tổ chức có mạng lưới toàn quốc giúp hỗ trợ quyên góp thiết bị phòng hộ cá nhân cho các cơ sở y tế.
"Tôi không thể nói chắc rằng KN95 có thể được sử dụng trong phòng cấp cứu”, ông He nói. Ông tin rằng nỗ lực mang những chiếc khẩu trang từ đại lục về nước là một thiện chí, nhưng khẩu trang KN95 “không phải là tiêu chuẩn vàng, và tiêu chuẩn vàng thực sự quan trọng khi tính mạng con người đang ở bờ vực”.
Giới y tế vẫn dè chừng, thà sử dụng lại N95
Mặc dù quy tắc nới lỏng của FDA cho biết khẩu trang KN95 phù hợp để sử dụng, trong các trường hợp khẩn cấp, FDA chỉ thực sự cấp phép cho khẩu trang y tế được cung cấp bởi một vài nhà sản xuất được ủy quyền tại Trung Quốc. Bất chấp việc dịch bệnh lan rộng khiến N95 trở nên khan hiếm, loại khẩu trang thay thế KN95 vẫn là chủ đề gây chia rẽ trong giới y tế.
Độ khít của KN95 có vẻ là một vấn đề. Trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng này với đài CNN, Steven Corwin, Giám đốc điều hành của Bệnh viện Presbyterian tại New York, một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn nhất nước Mỹ, đã đưa ra một lời bác bỏ hoàn toàn về khẩu trang KN95 sau khi thử sử dụng, cho rằng chúng “quá xốp” và “không tốt"
“Chúng vô dụng”, ông Corwin nói.
Ông Corwin sau đó nói thêm rằng ông lo ngại KN95 có thể bị làm giả, dù ông tin rằng điều này đang được cải thiện. “Có rất nhiều khẩu trang bị làm giả. Chúng tôi nghĩ một số lượng khẩu trang này giờ đang được kiểm nghiệm, đó là một tin tốt”.
Người đứng đầu phòng truyền thông Sở Y tế Công cộng Massachusetts liên tục từ chối cho biết bang này đặt mua KN95 từ nhà sản xuất nào. Trong khi đó, thống đốc bang này, ông Charlie Baker dường như còn nhầm lẫn và cho rằng toàn bộ số khẩu trang là N95 trong nhiều phát biểu của ông này.
“Chính quyền bang biết ơn sự giúp đỡ của gia đình Kraft và nhiều người khác đã giúp vận chuyển lô hàng khẩu trang lớn được FDA chứng nhận tới Massachusetts, và nhiều bang khác, để giúp đỡ những nhân viên y tế tuyến đầu của chúng ta”, e-mail trả lời của người đại diện ông Baker viết.
Nhiều cơ sở y tế kiên quyết chỉ sử dụng N95. Bệnh viện Đa khoa Massachusetts không sử dụng KN95, thay vào đó đưa ra chính sách “sử dụng lâu dài và tái sử dụng” đối với khẩu trang N95, theo Erica S.Shenoy, phó giám đốc đơn vị Kiểm soát Nhiễm khuẩn của bệnh viện. Dù vậy, bệnh viện này cho biết họ “quan tâm tới những tiềm năng” của loại khẩu trang này như một cách bổ sung nguồn cung.
Giới y tế vẫn dè chừng với chất lượng của KN95 do nguy cơ khẩu trang bị làm giả hoặc khả năng không ôm khít khuôn mặt, làm giảm khả năng phòng lây nhiễm. Ảnh minh họa: AFP. |
“Sử dụng chúng trong bệnh viện của chúng tôi có thể đòi hỏi phải đánh giá cả chất lượng sản phẩm và, như với tất cả sản phẩm khẩu trang khác, độ vừa vặn của chúng với người dùng cuối”, cô nói.
Partners HealthCare, mạng lưới bệnh viện lớn bao gồm cả Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cũng vừa đặt mua một máy khử trùng khẩu trang lớn từ một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ohio để khử trùng N95, cho phép sử dụng chúng nhiều lần. Máy này dự kiến sẽ giải quyết đáng kể tình trạng thiếu mặt nạ N95 trên toàn khu vực.
“Khi nghe tin này, tôi như thất thần”, thượng nghị sĩ bang Becca Rausch, một đảng viên Dân bày tỏ cảm xúc khi nghe tin các chuyên gia nói rằng lô khẩu trang này có thể không che kín và không an toàn để sử dụng trước những bệnh nhân Covid-19.
“Cả khối Thịnh vượng chung - cả thế giới - thở phào nhẹ nhõm khi những chiếc khẩu trang này xuất hiện. Và giờ thì chúng không có tác dụng gì nếu xét mục đích chúng được đưa tới đây”. ("Thịnh vượng chung" là danh xưng chính thức của bốn bang thuộc Mỹ gồm Kentucky, Massachusetts, Pennsylvania và Virginia).
Jeremy Lechan, người phát ngôn Trung tâm Y tế Tufts, cho biết trung tâm này đã nhận 2.000 khẩu trang KN95 từ lô hàng trên nhưng chưa đưa vào sử dụng cho nhân viên của mình.
“Chúng tôi đang đánh giá những chiếc khẩu trang này và quyết định xem nên làm thế nào là tốt nhất để tận dụng chúng trong thời gian tới”.